Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Cần sớm ban hành sản xuất hộ chiếu gắn chip điện tử

(VOH) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14, sáng 12/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Các đại biểu cho rằng cần thiết có quy định phát hành hộ chiếu gắn chip điện tử, áp dụng công nghệ tiên tiến mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng nhằm tăng tính xác thực của hộ chiếu. 

Quốc hội, hộ chiếu gắn chip điện tử

Quang cảnh phiên họp Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu nhấn mạnh, việc ban hành Luật này nhằm quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng, minh bạch trình tự, thủ tục quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và các trường hợp hạn chế quyền công dân trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ trong quản lý xuất nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế; khắc phục những bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đối với công dân Việt Nam thời gian qua. 

Nêu thực tế, hiện nay trên 120 quốc gia sản xuất và phát hành hộ chiếu điện tử, tại khu vực Đông Nam Á chỉ có Việt Nam và Myanmar là chưa sử dụng loại hộ chiếu này, đại biểu Hà Thị Lan, đoàn Bắc Giang cho rằng quy định hộ chiếu có gắn chip điện tử và kiểm soát nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động là phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Sử dụng loại hộ chiếu này nhằm làm tăng tính xác thực của hộ chiếu, chống nguy cơ làm giả. 

"Việc phát hành hộ chiếu điện tử nhằm đảm bảo an ninh an toàn. Mặt khác trong hộ chiếu điện tử đã tích hợp đầy đủ các dữ liệu về nhân thân và đặc điểm sinh trắc học thì có thể thay thế giấy tờ tùy thân. Bên cạnh đó cũng giúp cho việc kiểm soát tại cửa khẩu xuất nhập cảnh chính xác hơn. Khi áp dụng kiểm soát bằng hệ thống kiểm soát tự động sẽ giảm thủ tục, thời gian xếp hàng, tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu", đại biểu Hà Thị Lan ý kiến.

Quan tâm đến nội dung về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, đại biểu Dương Minh Tuấn, đoàn Bà Rịa Vũng Tàu, cho rằng một số quy định, trường hợp chưa rõ ràng như trường hợp người đang có nghĩa vụ chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nghĩa vụ nộp thuế tại khoản 5. Đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể, chặt chẽ hơn để vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh, vừa bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tránh lạm dụng, áp dụng tùy tiện quy định này. 

"Trên thực tế một số người nộp thuế không biết mình vi phạm, đến khi bước vào làm thủ tục xuất cảnh mới biết mình đang còn nợ, và số tiền thấp. Tôi nghĩ cần xác tính lại, có giới hạn bao nhiêu tiền mới cấm xuất nhập cảnh. Bởi trong những trường hợp này người ta muốn đóng ngay để xuất cảnh cũng không được", đại biểu Minh Tuấn đề nghị.

Đại biểu Phạm Tất Thắng, đoàn Vĩnh Long cho rằng các quy định tại điều 34 và điều 36 của dự án Luật về trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam còn chung chung; chưa cụ thể, Bộ Ngoại giao cần phối hợp những gì với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước trong xuất cảnh ở những nội dung nào, những đối tượng nào hay ngược lại. Do đó đại biểu Phạm Tất Thắng nêu ý kiến cơ quan soạn thảo rà soát tách bạch thành từng lĩnh vực chủ trì quản lý của những bộ có liên quan để quy định chi tiết hơn trong dự thảo luật. Ví dụ quy định rõ vai trò chủ trì, phối hợp của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao trong thực hiện quản lý xuất nhập cảnh, vì cho rằng việc xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật, một số hoạt động quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh do Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng chủ trì nhưng chưa được khẳng định vai trò chủ trì trong dự thảo Luật.

Trước đó, Quốc hội nghe Báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và nghe dự kiến danh sách thành viên Ban kiểm phiếu. Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách thành viên Ban kiểm phiếu bằng biểu quyết điện tử. Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả bỏ phiếu sẽ được công bố vào đầu giờ phiên làm việc chiều 12/6.

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): còn nhiều ý kiến khác nhau về tăng độ tuổi nghỉ hưu

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nam từ 60 lên 62 tuổi; nữ từ 55 lên 60 tuổi trong Dự thảo bộ luật Lao động sửa đổi mà Chính phủ trình ra Quốc hội tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu bên hành lang Quốc hội. 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động cần có lộ trình và phân loại đối tượng áp dụng phù hợp điều kiện phát triển kinh tế xã hội hiện nay. Việc kéo dài tuổi lao động cần xem xét kỹ lưỡng, thậm chí phải thí điểm việc tăng độ tuổi lao động có làm tăng tỷ lệ thất nghiệp hay không; có tăng tình trạng thiếu việc làm không hay tăng Quỹ bảo trợ thất nghiệp cho những người đang có công ăn việc làm không…

Đại biểu Nguyễn Huy Thái, đoàn Bạc Liêu băn khoăn: "Chúng ta thiết kế như thế nào cho nó phù hợp nhất với số đông, nhất là với số đông của những người lao động, đặc biệt là công nhân những người trực tiếp sản xuất, thứ hai nữa là chúng ta làm thế nào công tác truyền thông như thế nào để cho bà con có thể chia sẻ được ở góc độ nhiều nhất. Tại vì thực ra có những người trực tiếp lao động, thời gian đâu để tiếp cận với những thông tin trên báo chí, ti vi mà phải có tuyên truyền kiểu gì đó để cho bà con nghe hiểu chia sẻ đi đến đồng thuận."

Đồng tình với quan điểm này, một số ý kiến cho rằng, đối với giáo viên, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần đánh giá toàn diện trong mối quan hệ chung để đảm bảo lợi ích phát triển giáo dục. Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, đoàn thành phố Hà Nội cho rằng, đặc thù công việc của giáo viên phải thường xuyên giao tiếp, vấn đề đặt ra phải tạo được mối quan hệ tốt trong quan hệ giao tiếp với các phụ huynh, học sinh tạo ấn tượng trong nhận thức của họ là những người thầy còn phù hợp với lứa tuổi với suy nghĩ của học sinh, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề nghị, cần xem xét về tăng tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên cấp mầm non và tiểu học: "Giáo viên ở những bậc học này, ngoài việc giảng dạy về văn hóa thì việc chăm sóc đòi hỏi cao về sức khỏe, nhất là những hoạt động để tạo nên trò chơi, hoạt động kỹ năng mềm đòi hỏi cô/thầy phải trẻ mới có thể có sức khỏe để vận động và chia sẻ với các em được, tôi nghĩ phải cân nhắc. Với giáo viên mầm non giữ nguyên đội tuổi như hiện nay là phù hợp".

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu không chỉ có tác động đến Quỹ bảo hiểm xã hội, vấn đề già hóa dân số cũng tác động không nhỏ tới cơ hội việc làm của giới trẻ. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì vô tình giữ lại một bộ phận yếu kém của bộ máy hành chính, trong khi nhiều sinh viên ra trường năng động, sáng tạo lại không có việc làm. "Có nhiều người lý luận ở cấp bậc cao ở lại, thế nhưng ở lại như vậy thì ảnh hưởng dây chuyền. Anh không về thì sao lấy đâu người kế cận người ta lên được. người trẻ sao họ có cơ hội hòa nhập vào thị trường lao động", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu.

Bình luận