Chờ...

Cần Thơ tổ chức tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ từ 9-18/10

CẦN THƠ - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Cần Thơ vừa có thông báo về thời gian triển khai Chiến dịch tiêm chủng bổ sung vaccine phòng bệnh sởi trên địa bàn thành phố Cần Thơ năm 2024.

Thông tin từ Sở Y tế thành phố Cần Thơ, Viện Paster TPHCM vừa có công văn về việc tiếp nhận và phân bổ vaccine sởi - rubella cho các tỉnh, thành phố nhằm triển khai chiến dịch tiêm chủng phòng, chống bệnh sởi.

Cần Thơ được phân bổ 20.000 liều vaccine sởi - rubella. Dựa trên số liều này, thành phố sẽ tổ chức 2 đợt tiêm: đợt I, tiêm cho trẻ 1-5 tuổi, từ ngày 9-11/10; đợt II, tiêm cho trẻ 6-10 tuổi, từ ngày 16-18/10.

Để chuẩn bị chu đáo cho đợt tiêm bổ sung này, trong tháng 9, Sở Y tế thành phố đã phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo, chính quyền địa phương rà soát, thống kê số trẻ từ 1-10 tuổi chưa được tiêm, tiêm chưa đủ liều vaccine sởi - rubella; đồng thời, mở nhiều lớp tập huấn triển khai chiến dịch; tập huấn phòng, xử trí sốc phản vệ khi tiêm chủng…

bo-y-te-canh-bao-mien-dich-bao-ve-soi-o-tre-nho-va-ba-bau-dang-o-muc-thap1523595536
Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả - Ảnh minh họa

Trong đợt tiêm bổ sung này, Sở Y tế thành phố Cần Thơ giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố làm đầu mối phân bổ vaccine, các vật tư tiêm chủng và tài liệu truyền thông cho các đơn vị.

Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và Ðào tạo; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo các trường gửi thư mời và thông báo cho phụ huynh học sinh biết thời gian, địa điểm tiêm một cách chi tiết, cụ thể, đảm bảo không có trường hợp nào bị lọt, sót.

Sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây ra. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp do hít phải các dịch tiết mũi họng của bệnh nhân bắn ra hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân. Bệnh sởi có khả năng lây nhiễm rất cao và dễ gây thành dịch, trẻ chưa có miễn dịch với virus sởi và tiếp xúc nguồn lây thì khả năng mắc bệnh là rất lớn.