Cần xử lý mạnh những vi phạm trên mạng xã hội để kẻ xấu không trục lợi

(VOH) – Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KT -XH 2023.

Tiếp tục thảo luận về vấn đề kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng nay, đại biểu Lê Thị Ngọc Linh đoàn Bạc Liêu cho rằng, mạng xã hội ra đời đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, hành vi của các tầng lớp xã hội, trong đó có lực lượng trẻ, đây là một trong những nhóm đối tượng sử dụng mạng xã hội nhiều nhất.

Theo thống kê, các mạng xã hội lớn được giới trẻ Việt Nam ưa chuộng là các nền tảng như Youtube với tỷ lệ đến 92 %, Facebook tỷ lệ sử dụng là 91,7%, tiếp đến là Zalo 76,5%...

Mạng xã hội kết nối nhanh, nội dung phong phú, đa dạng, có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi, dùng để kết nối với gia đình, bạn bè, người thân trên mọi miền Tổ quốc và là nguồn tìm kiếm thông tin hiệu quả cho người sử dụng. Nếu biết cách khai thác, sử dụng hợp lý thì mang lại hiệu quả rất lớn cả trong học tập, công tác, sinh hoạt và đời sống xã hội cho con người nói chung và cho giới giới trẻ nói riêng, ngược lại, nó sẽ gây ra nhiều hệ lụy không tốt.

Cần xử lý mạnh những vi phạm trên mạng xã hội để kẻ xấu không thể trục lợi
Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh đoàn Bạc Liêu cần xử lý mạnh những vi phạm khi sử dụng mạng xã hội. 

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh đề nghị, các tổ chức chính trị xã hội cần phối hợp với nhà trường, gia đình trong công tác giáo dục định hướng để người dân biết cách khai thác thông tin tích cực trên các trang mạng xã hội; giáo dục cách ứng xử văn minh trên mạng và kiểm soát hành vi, tuyệt đối không gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân nào.

Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với mạng xã hội làm sao để kẻ xấu không có cơ hội thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên các trang mạng xã hội, qua đó giúp cho giới trẻ sử dụng mạng xã hội theo hướng tích cực, an toàn, hướng đến các giá trị tốt đẹp, lành mạnh…Vì vậy, các cơ quan cần có trách nhiệm chế tài xử lý mạnh hơn nữa đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trên các trang mạng xã hội.

Đại biểu nhấn mạnh, cần nâng cao hơn hiệu quả phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với mạng xã hội, nhất là thực hiện có hiệu quả Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Xem thêmDoanh nghiệp điêu đứng vì dịch, vay vốn phải đáp ứng điều kiện 3 năm lãi ròng

Liên quan đến vấn đề chính sách nhà ở cho công nhân, đại biểu Trần Văn Tuấn đoàn Bắc Giang cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 còn những vấn đề khó khăn như nhà ở công nhân còn thiếu trầm trọng, nguồn cung chưa thể đáp ứng cả về số lượng và chất lượng.

Đại biểu kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần có cơ chế, chính sách đặc thù về nhà ở cho công nhân. Công nhân, lực lượng có vị trí ngày càng quan trọng, có những đặc điểm đặc thù so với các đối tượng khác. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân thuê.

Theo chương trình, buổi chiều 28/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phát biểu trao đổi về các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Bình luận