Chờ...

Chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm nghẽn, chưa thể tháo gỡ?

(VOH) - Chậm giải ngân vốn đầu tư công và làm thế nào để “tháo gỡ” điểm nghẽn này là vấn đề được nhiều Đại biểu quốc hội nêu ra trong cuộc họp sáng nay (27/10).

Đại biểu Phạm Hùng Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam đánh giá, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt - đó là giải ngân vốn đầu tư công chậm, việc giải ngân vốn ODA với tỷ lệ quá thấp. Ba chương trình mục tiêu quốc gia triển khai từ sớm nhưng ban hành chính sách và phân bổ vốn còn chậm hơn. Giải ngân vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội cũng chậm.

Xem thêm: TPHCM giải ngân vốn đầu tư công thấp

Cho ý kiến về việc giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cho rằng, bối cảnh năm 2022 triển khai nhiều dự án quan trọng quốc gia cùng với đó là thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên việc chậm giải ngân vốn đầu tư công vẫn là tồn tại xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. 

Đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng
Đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng

Phân tích một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư công từ thực tế tại các địa phương, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành đầy đủ các thông tư hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương có đầy đủ cơ sở triển khai thực hiện.

Chỉ rõ, do nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giao muộn, các văn bản hướng dẫn chưa kịp thời, vốn sự nghiệp giao một số nhiệm vụ quá thời hạn, đại biểu Bế Minh Đức đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành cho phép điều chuyển vốn giữa các dự án, tiểu dự án để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của năm 2022 và cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn năm 2022 sang năm 2023.

Lý giải nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công vẫn là điểm nghẽn, chưa được giải quyết hiệu quả, đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng, việc giải ngân chậm là do không có khối lượng hoàn thành để làm cơ sở giải ngân theo quy định chậm triển khai dự án, thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, chậm điều chỉnh dự án, điều chỉnh hiệp định vay, công tác nghiệm thu, thanh quyết toán. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân như chưa thể phân bổ hết kế hoạch vốn đã được giao, chậm nhận được ý kiến của nhà tài trợ…

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những giải pháp quyết liệt để chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thúc đẩy việc triển khai thực hiện Dự án để có khối lượng hoàn thành cho giải ngân.

Các Bộ, ngành, địa phương thực hiện kiểm tra, rà soát, giám sát, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai dự án và giải ngân. Chỉ đạo tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng giải ngân các dự án đã hoàn tất thủ tục đầu tư, công tác đấu thầu, phê duyệt hợp đồng, đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đặt ra phải cắt giảm chuyển giao kế hoạch vốn đã được giao.

Đối với dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, kịp thời điều chỉnh chủ trương đầu tư để sớm điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh vốn phân bổ. Bên cạnh đó, các chủ dự án, Ban quản lý dự án có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất các thủ tục đầu tư xây dựng phải bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán gửi kho bạc Nhà nước để kiểm soát chi ngay sau khi có khối lượng hoàn thành.