Công an TPHCM vừa cảnh báo về tình trạng có người giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ hỗ trợ cài đặt sinh trắc học và lừa đảo, thực hiện chiếm đoạt tài sản, thông tin của khách hàng.
Từ ngày 1/7, người dân chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử hơn 10 triệu đồng phải được xác thực sinh trắc học.
Một số đối tượng xấu liên hệ khách hàng bằng các hình thức như gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học.
Tiếp đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng để được hỗ trợ, thậm chí có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ.
Chúng đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại.
Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân thì chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu.
Công an TPHCM khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng... cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Ngân hàng không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học.
Mới đây, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Bình Phước khuyến cáo việc có người bị lừa làm nhiệm vụ nghe nghạc, bình chọn cho ca sĩ và mất hơn 2 tỷ đồng.
Người phụ nữ này nhận được tin nhắn về việc làm online tại nhà, không mất phí dịch vụ, không cọc tiền, chỉ cần làm nhiệm vụ nghe nhạc trên một ứng dụng, sau đó bỏ phiếu bình chọn cho ca sĩ rồi chụp gửi thì sẽ nhận được 35.000 đồng/1 điểm bình chọn.
Sau khi nhận được một số tiền từ công việc nhàn hạ này, người phụ nữ muốn được hưởng lợi nhuận nhiều nên đã liên tiếp tham gia các nhiệm vụ cao hơn, đồng nghĩa số tiền nộp ngày càng nhiều hơn. Cho đến sau khi liên tiếp chuyển khoản 19 lần với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng vào tài khoản do đối tượng cung cấp, người này không rút được tiền về thì mới biết đã bị lừa.
Một chiêu lừa đảo không mới nhưng nhiều đối tượng đã thay đổi kịch bản tinh vi hơn. Đó là trường hợp đối tượng tự xưng là cán bộ phương thông tin CCCD bị sai và cho số điện thoại cán bộ công an quận (huyện) nơi đăng ký hộ khẩu liên hệ xem cần đem giấy tờ đến trực tiếp công an quận chỉnh sửa.
Sau đó có đối tượng khác xưng là cán bộ công an quận hẹn gặp trực tiếp tại trụ sở để điều chỉnh giấy tờ sai thông tin.
Gần tới giờ hẹn, người này sẽ điện thoại lại và nói do người dân đến trụ sở làm việc đông và hẹn lại. Sau vài lần hẹn, đối tượng nói sẽ hướng dẫn qua điện thoại. Từ đó hướng dẫn người dân truy cập vào các link lạ và lấy thông tin của nạn nhân, chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu.
24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng hướng vào các nhóm: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng, gồm:
Combo du lịch giá rẻ: Lừa đảo chiếm đoạt tiền bạc, thông tin cá nhân qua các hình thức bẫy mua dịch vụ du lịch trọn gói.
Cuộc gọi video deepfake, deepvoice: Các đối tượng sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung nhằm tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến.
Giả mạo biên lai chuyển tiền thành công: Các đối tượng lừa nạn nhân mua hàng số lượng lớn trên mạng xã hội. Làm giả biên lai chuyển tiền thành công bằng phần mềm.
Giả nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu: Gọi điện thoại thông báo người thân đang nằm cấp cứu trong bệnh viện, yêu cầu chuyển tiền mổ gấp.
Tuyển người mẫu nhí: Lợi dụng mạng xã hội tiếp cận, dụ dỗ các bậc phụ huynh có con nhỏ đăng ký ứng tuyển người mẫu nhí. Yêu cầu nạn nhân đóng nhiều loại phí hoặc hướng dẫn làm nhiệm vụ qua mạng.
Thông báo “Khóa sim” vì chưa chuẩn hóa thuê bao: Các đối tượng gọi điện thông báo khóa dịch vụ viễn thông. Nạn nhân làm theo hướng dẫn sẽ mất thông tin các nhân, thông tin tài khoản ngân hàng...
Giả danh công ty tài chính: Cung cấp khoản tiền vay với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản. Yêu cầu nạn nhân đóng phí làm thủ tục rồi chiếm đoạt.
Cài cắm ứng dụng, đường dẫn (link) quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen: Các đối tượng gài bẫy quảng cáo, ứng dụng cho vay. Nạn nhân sau khi cài đặt ứng dụng và cấp quyền cho ứng dụng truy cập điện thoại sẽ bị kẻ gian chiếm đoạt thông tin cá nhân.
Giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp: Tạo trang web giả mạo có giao diện giống với trang web của các cơ quan, doanh nghiệp. Người dùng khai báo thông tin trên trang web giả sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân.
Giả mạo SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo: Các đối tượng sử dụng trạm phát sóng BTS giả mạo để gửi hàng loạt tin nhắn lừa đảo tới người dùng. Nạn nhân làm theo hướng dẫn từ tin nhắn sẽ bị đánh cắp thông tin cá nhân.
Lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp: Gửi link thanh toán trực tuyến tham gia sàn giao dịch ảo, yêu cầu nạn nhân gửi tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt.
Lừa đảo tuyển cộng tác viên online: Tuyển cộng tác viên “việc nhẹ lương cao” - giả mạo các trang sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada và các thương hiệu lớn để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Đánh cắp tài khoản mạng xã hội, nhắn tin lừa đảo: Chiếm quyền đăng nhập vào tài khoản Facebook, Zalo nhắn tin cho bạn bè, người thân hỏi vay tiền.
Giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án: Các đối tượng giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án để gọi điện hăm dọa và sử dụng các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử: Đăng tải quảng cáo mời chào người tiêu dùng mua hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc trên các sàn thương mại điện tử.
Đánh cắp thông tin CCCD đi vay nợ tín dụng: Các đối tượng bẫy người dùng Intenet khai báo thông tin CCCD trên các mẫu khảo sát. Từ đó sử dụng thông tin cá nhân đã đánh cắp để vay nợ tín dụng.
Chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng: Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng và giả danh người thu hồi nợ để yêu cầu trả lại số tiền.
Dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa: Giả danh nhân vật có uy tín, sức ảnh hưởng liên hệ cung cấp dịch vụ lấy lại tiền đã mất cho nạn nhân. Yêu cầu nạn nhân thanh toán trước hoặc cung cấp thông tin cá nhân.
Đánh cắp Telegram OTP: Lập tài khoản Telegram giả danh các cơ quan, tổ chức. Gửi tin nhắn yêu cầu xác thực tài khoản cho nạn nhân nhằm chiếm đoạt mã OTP để truy cập tài khoản của họ.
Tung tin giả về cuộc gọi mất tiền FlashAI: Gọi điện thông báo tin giả, hướng dẫn phòng tránh cuộc gọi mất tiền FlashAI. Nạn nhân làm theo hướng dẫn sẽ bị chiếm đoạt thông tin cá nhân
Dịch vụ lấy lại tài khoản Facebook: Tạo trang web quảng cáo dịch vụ lấy lại tài khoản Facebook. Yêu cầu người dùng cung cấp tiền cọc, thông tin cá nhân sau đó chiếm đoạt.
Rải link Phishing, Seeding, quảng cáo bẩn trên mạng xã hội: Tạo trang web giả mạo ngân hàng hoặc dịch vụ trực tuyến với mục đích thu thập thông tin cá nhân của các người dùng Internet.
Dự báo số lô, số đề: Các đối tượng chiêu dụ người dùng chơi đề và yêu cầu nạn nhân chi trả tiền theo tuần, tháng, hoa hồng.
Bẫy tình cảm, đầu tư tài chính, gửi bưu kiện, trúng thưởng: Các đối tượng thông qua các mạng xã hội và ứng dụng hẹn hò tiếp cận người dùng. Lợi dụng tình cảm nạn nhân lừa chuyển tiền, kêu gọi đầu tư tài chính.