Chờ...

"Cha và con trai trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái"

(VOH) - Các cặp cha con chia sẻ về các không gian có thể xảy ra bạo lực như tại gia đình, trong trường học, nơi công cộng, nơi làm việc, không gian mạng và các không gian khác.

Sáng 03/11, Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ủy ban Nhân dân quận 10, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố, Cơ quan Liên Hiệp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen) tại Việt Nam tổ chức chương trình truyền thông hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới với chủ đề: “Cha và con trai trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái” cho hơn 300 người tham gia. 

Tại sự kiện, thông qua các trò chơi, các cặp cha con đã cùng nhau tìm hiểu các hình thức khác nhau của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em bao gồm: bạo lực thể chất, bạo lực tinh thần; bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế. Các cặp cha con cũng chia sẻ về các không gian có thể xảy ra bạo lực như tại gia đình, trong trường học, nơi công cộng, nơi làm việc, không gian trên mạng và các không gian khác. Đồng thời cùng lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm trong việc ứng phó với bạo lực giới.

"Khi sống chung phải tìm hiểu trước cùng thông cảm và chia sẻ với nhau, vợ làm hay chồng làm thì nếu gánh vác được việc cho nhau thì gánh. Chủ yếu là để tạo điều kiện tốt nhất cho con. Nếu không có sự đồng cảm và chia sẻ với nhau sẽ dẫn đến gia đình tan vỡ", anh Dương Trọng Lực, ngụ phường 6, quận 10 cho biết.

Anh Phan Văn Hội, ngụ quận 10 cho rằng, do xã hội chúng ta vẫn tồn tại những quan niệm về định kiến giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ, cho rằng nam giới có quyền lực và có quyền “dạy” vợ. Cộng đồng và xã hội vẫn coi bạo lực gia đình là chuyện riêng của gia đình mà không can thiệp kịp thời, chưa tạo ra dư luận rộng rãi và đôi khi chỉ vì những lời nói của người vợ trong lúc tức giận đẫn đến tình trạng bạo lực trong gia đình. "Trong gia đình tôi khi vợ nói thì chồng chịu khó nghe và khi chồng nói thì vợ cũng phải lắng nghe. Cũng có nhiều lúc vợ nói nhiều, nói những lời khó nghe làm chồng bực bội thì sẽ có những hành động khiếm nhã không được hay lắm. Và cũng do công việc của người vợ nhiều quá làm người ta mệt mỏi, khó chịu và có những câu nói thiếu suy nghĩ. Cho nên là chồng thì cũng phải tha thứ và biết lắng nghe vợ và suy nghĩ của vợ mình vào thời điểm đó như thế nào", anh Hội chia sẻ. 

 

quang cảnh lễ

Chương trình truyền thông “Cha và con trai trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”

Tại Việt Nam, bạo lực với phụ nữ và trẻ em đã và đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Theo nghiên cứu của Tổng cục thống kê có 58% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực ít nhất một lần trong đời. Một nghiên cứu khác của Action Aid Việt Nam năm 2014, 87% phụ nữ và trẻ em gái tham gia khảo sát tại hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng.

Theo Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), 52% học sinh đã trải qua ít nhất một dạng bạo lực. Bà Nguyễn Thị Thúy, Cán bộ chương trình - Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ cho rằng: Để ứng phó có hiệu quả đối với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, chúng ta cần gắn kết nam giới và trẻ em trai, đặc biệt là lãnh đạo nam trong vận động chính sách bởi hiện này hầu hết những người đưa ra quyết định trong xã hội và gia đình là nam giới. Nam giới và trẻ em trai không nên trở thành người gây ra bạo lực mà còn là những đối tác, nhân tố quan trọng thúc đẩy sự thay đổi xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em ."Cha và con trai rất quan trọng và là đối tượng giúp thay đổi định kiến trong xã hội và góp phần tăng vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, tất cả những thành viên trong xã hội đều đóng vai trò quan trọng trong phòng chống và ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Có 58% phụ nữ từng bị bạo lực trong đời và 87% là không đi trình báo vì họ ngại những rào cản về mặt xã hội, sợ bị lên án, chê trách nên họ giấu kín trường hợp của mình", bà Thuý cho hay.

các cặp cha con

Các cặp đôi cha và con trai tham gia chương trình truyền thông “Cha và con trai trong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái”

Ông Trần Công Bình – Chuyên viên Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam thừa nhận: Thời gian gần đây tại nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra một số vụ bạo hành gia đình. Không chỉ gây bức xúc trong dư luận xã hội, những vụ việc này còn gióng lên hồi chuông về sự xuống cấp trong các mối quan hệ gia đình. "Nam giới giữ vai trò rất quan trọng góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình vì nam giới vừa là nguyên nhân nhưng cũng là động lực để thúc đẩy giúp bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em. Ngăn chặn những hành vi có thể gây tổn hại cho phụ nữ và trẻ em. Bởi vì phụ nữ ngày càng chịu nhiều sức ép trong cuộc sống, từ cơm áo, gạo tiền, kinh tế, công việc gia đình, rồi sức ép từ ngoài xã hội dồn lên vai người phụ nữ thành ra có lúc nóng giận đã có những lời nói có thể gây tổn hại đến người khác", ông nhấn mạnh.

Ông Bùi Thế Hải, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và Bình đẳng giới - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 10 cho rằng: Vấn đề an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái cả ở nơi riêng tư lẫn không gian công cộng là một trong những mục tiêu quan trọng để thực hiện thành công phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rõ rằng có những thay đổi không thể thực hiện được nhờ pháp luật mà thay đổi quan trọng nhất và khó khăn nhất là thay đổi chính mình cùng với sự cam kết chung tay hành động vì bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến về giới, chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vì một gia đình bình đẳng và xã hội văn minh.

Ông Bùi Thế Hải hy vọng thông qua sự kiện sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt của nam giới và trẻ em trai về vai trò của nam giới trong việc ủng hộ và thúc đẩy trao quyền của phụ nữ và trẻ em gái; ngăn chặn các hành vi xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ, trẻ em; xây dựng và thúc đẩy những chính sách kinh tế, xã hội có nhạy cảm giới để đảm bảo phụ nữ và trẻ em gái được phát triển mọi tiềm năng và tận hưởng các cơ hội ngang bằng với nam giới và trẻ em trai.

Từ 1/11/2019, trẻ mầm non và học sinh lớp 1 ở TPHCM bắt đầu uống sữa học đường - (VOH) - Từ ngày 01/11/2019, hơn 300.000 trẻ em mầm non và học sinh khối lớp 1 trên địa bàn 10 quận, huyện sẽ được uống sữa học đường