Báo cáo tại cuộc họp, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, tính đến hiện tại các đơn vị đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 63.000 phương tiện với trên 300.000 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm trong đó, còn 11 tàu cá đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão (Bình Định: 8 tàu; Phú Yên: 2 tàu; Quảng Nam: 1 tàu) và 97 tàu cá đang hoạt động trong khu vực dự báo bão đi qua (Bình Định: 9 tàu; Khánh Hòa: 5 tàu; Quảng Ngãi: 1 tàu; Tiền Giang: 3 tàu ; Phú Yên: 79 tàu).
Vị trí và đường đi của bão số 7 (Kammuri). Ảnh: TTDBKTTVQG
Để chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão số 7 trên biển Đông, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai – Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Nguyễn Trường Sơn, đề nghị: Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phối hợp với Tổng cục Thuỷ sản theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động liên lạc, thông tin kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện (đặc biệt là 11 tàu đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão) biết để kịp thời thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tiếp tục giữ liên lạc Đối với 238 tàu (của tỉnh Phú Yên và Bình Định) đang ở khu vực biển giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa để thông tin, cập nhật thường xuyên hướng đi, vùng ảnh hưởng của bão để chủ động phòng tránh. Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phối hợp với các cơ quan liên quan có phương án liên lạc, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn đối với 2 tàu mất liên lạc và chìm tại tỉnh Quảng Ngãi. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến ảnh hưởng của không khí lạnh tác động đến vùng biển, vịnh Bắc Bộ và khu vực ven bờ để có sự ứng phó kịp thời. Kiểm soát chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền, triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho người dân trên các đảo.
Căn cứ vào tình hình thực tế, Cục lãnh sự - Bộ Ngoại giao có công hàm gửi các nước, vùng lãnh thổ trong khu vực tạo điều kiện cho tàu thuyền của ngư dân Việt Nam vào tránh trú và hỗ trợ cứu nạn khi có yêu cầu.