Chiều 27/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi)

VOH - Chiều 27/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Trước đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Luật Lưu trữ được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 11 tháng 11 năm 2011 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2012) và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về lưu trữ của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương;

Hệ thống tổ chức lưu trữ lịch sử các cấp, lưu trữ cơ quan và người làm lưu trữ từng bước được kiện toàn, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cơ sở vật chất và kinh phí dành cho công tác lưu trữ được quan tâm đầu tư;

Tài liệu lưu trữ bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, Trung tâm Lưu trữ lịch sử ở địa phương và Lưu trữ cơ quan cơ bản được chỉnh lý, xác định giá trị, bảo vệ, bảo quản an toàn, sử dụng có hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Chiều 27/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp  

Sau hơn 10 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Lưu trữ năm 2011 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế như: chưa kịp thời thể chế hoá các chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực lưu trữ;

Nhiều vấn đề của thực tiễn chưa được Luật Lưu trữ năm 2011 quy định hoặc đã được quy định nhưng chưa cụ thể, gây khó khăn trong quá trình thực hiện như: thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ, quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, hoạt động lưu trữ tư và quản lý hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).

Dự thảo Luật gồm 09 chương, 68 điều (tăng 2 chương, 26 điều so với Luật Lưu trữ năm 2011, được kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Lưu trữ năm 2011 về những quy định chung, hoạt động nghiệp vụ lưu trữ, dự thảo Luật có các nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào 04 chính sách đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP

Gồm: Quy định về thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ; Quy định về lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; Quy định về hoạt động lưu trữ tư; Quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ.

Việc sửa đổi Luật Lưu trữ là cần thiết nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời những bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, đáp ứng yêu cầu thời đại chuyển đổi số và xây dựng một xã hiện đại, xã hội công nghệ điện tử.

Bình luận