Đây là nhóm vấn đề liên quan đến thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục phổ thông; Công tác quản lý giáo dục mầm non; Giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ diễn ra từ sáng đến đầu giờ chiều đã nhận được rất nhiều ý kiến chất vấn và tranh luận từ đại biểu Quốc hội. Bởi giáo dục và đào tạo là vấn đề nóng, liên quan trực tiếp đến từng gia đình, từng cá nhân trong xã hội. Các đại biểu đã chỉ ra những thực trạng về chất lượng đào tạo từ mầm non đến đại học đều không như mong muốn, câu chuyện bệnh thành tích trong giáo dục đã tồn tại từ lâu vẫn chưa được giải quyết, cùng nhiều nỗi băn khoăn khác.
Nghe audio bài viết
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Con số 200.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - đoàn Thái Bình hỏi rằng như vậy sinh viên tốt nghiệp đại học có phải là nguồn lao động chất lượng cao không? Nếu phải, thì sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm có phải do chất lượng đào tạo đại học chưa đảm bảo theo yêu cầu không? Còn đại biểu Đào Tú Hoa – đoàn Hà Nội đề nghị Bộ trưởng đưa ra giải pháp cho thực trạng này: "Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hiện có khoảng hơn 200.000 sinh viên ra trường không có việc làm gây lãng phí cho xã hội và bức xúc cho nhân dân. Việc này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có trách nhiệm từ cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và có cả trách nhiệm của người học. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này của ngành giáo dục trong thời gian tới".
Liên quan đến nội dung vừa nêu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng cái gốc của vấn đề vẫn là chất lượng: "Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung để nâng cao chất lượng. Việc thất nghiệp 200.000, cũng là hiện tượng có thật nhưng để giải quyết một cách căn cơ tình trạng thất nghiệp thì vấn đề là chất lượng. Mà chất lượng ở đây không phải là chất lượng là các thầy cô theo kiểm định mà chất lượng phải được chuẩn kiểm định quốc tế và thị trường. Do vậy, những giải pháp để phối hợp với thị trường lao động, doanh nghiệp, nâng cao chất lượng và đào tạo theo địa chỉ".
Bộ trưởng cũng cho biết, từng trường đại học một phải chủ động để nghiên cứu thị trường trước khi mở các chương trình đào tạo. Mặc dù được tự chủ tuyển sinh nhưng không có nghĩa rằng các trường muốn mở ngành gì thì mở mà phải gắn với thị trường và đảm bảo chất lượng, Bộ tăng về hậu kiểm chứ không nặng về tiền kiểm như trước.
Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích thêm về nội dung này ở 1 góc nhìn khác. Phó thủ tướng cho rằng, chúng ta không có gì phải yêu cầu cứ học đại học trở lên phải có việc làm 100%. Việc một tỷ lệ nhất định dù học tất cả các bậc mà không có việc làm là bình thường ở thế giới, chính việc đó thúc đẩy cạnh tranh và vươn lên của các cơ sở giáo dục. Vấn đề hiện nay là câu chuyện hướng nghiệp ngay từ bậc trung học cơ sở: "Tôi xin các đại biểu Quốc hội và Nhân dân đồng tình cho hướng đẩy mạnh thực hiện hướng nghiệp ngay từ trung học cơ sở. Chúng ta đừng lo như một đại biểu nói rằng học trung học cơ sở xong mà sang học nghề thì sẽ không đủ kiến thức. Bởi vì cả thế giới người ta làm như vậy, học trung học cơ sở xong thì một luồng rẽ ra học nghề, một luồng rẽ ra học tiếp lên trung học phổ thông. Học trung học phổ thông xong là một luồng tiếp tục học nghề, một luồng tiếp tục học lên đại học để theo hướng hàn lâm nghiên cứu, vì học xong trung học cơ sở mà đi học nghề, không có nghĩa là trong quá trình dạy nghề đấy chúng ta không dạy tiếp văn hóa, không dạy tiếp kiến thức, chỉ có điều dạy theo cách của người làm nghề thì chúng ta phải ủng hộ cho phương án này".
Cũng liên quan đến chất lượng đào tạo giáo dục bậc đại học hiện nay, đặc biệt là quy trình kiểm định chất lượng, đại biểu Nguyễn Thị Lan, đoàn Hà Nội chất vấn tư lệnh ngành giáo dục và đào tạo: "Kiểm định chất lượng để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học là đúng đắn, tuy nhiên nếu việc này không được quản lý chặt chẽ, thì có thể xảy ra tình trạng chạy chứng nhận kiểm định để làm đẹp hồ sơ. Xin bộ trưởng cho biết giải pháp kiểm soát việc này?"
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đã tăng cường công tác kiểm định. Đến nay, đã có trên 100 trường được đánh giá ngoài, trong đó, gần 90 trường được kiểm định đạt. Có 5 trường được các hội kiểm định quốc tế của Pháp công nhận. Bên cạnh đó, trong hơn 100 chương trình đào tạo hiện nay, đã có gần 80 chương trình được kiểm định quốc tế. Tiếp thu ý kiến đại biểu về nội dung này, Bộ trưởng thẳng thắn: "Ý về chạy theo kết quả đẹp để đạt kiểm định thì tới nay chưa có minh chứng việc này. Nhưng chúng tôi xin tiếp thu để tăng cường kiểm tra giám sát. Và trong thực tế chúng tôi đã có kế hoạch triển khai các hoạt động nâng cao, tăng cường năng lực của 4 trung tâm kiểm định. Tới đây, tăng cường đào tạo kiểm định viên, công khai, minh bạch kết quả kiểm định để mọi người giám sát các khâu kiểm định chất lượng".
Phiên chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ - Cơ bản đáp ứng được yêu cầu của đại biểu
Bên lề Quốc hội, Thông tín viên Ngọc Ánh đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội nhận định về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.
Trong phiên chất vấn ngày hôm nay, nội dung mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời bao gồm: Phân luồng học sinh phổ thông, giáo dục nghề nghiệp; phát triển giáo dục chất lượng cao; giải pháp khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm; tiến độ thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục...; Giải pháp cho các trường đại học kém hiệu quả, không chiêu sinh đủ; Giải pháp nâng cao chất lượng giáo viên mầm non; Ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ; giải pháp ngăn chặn "bệnh thành tích", "lạm phát khen thưởng" trong giáo dục, nhất là giáo dục phổ thông…Theo nhận định của các đại biểu, những vấn đề mà Bộ trưởng Bộ giáo dục phải trả lời hôm nay đều là những vấn đề khó, tuy vậy, câu trả lời của Bộ trưởng cũng đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các đại biểu. Đại biểu Nguyễn Chiến - Đoàn Hà Nội và đại biểu Dương Minh Tuấn- Đoàn Bà Rịa Vũng Tàu nói:
Ông Nguyễn Chiến: Những câu hỏi thì ngắn nhưng bao hàm những vấn đề lớn do vậy Bộ trưởng kỳ vọng sẽ trả lời đầy đủ, tuy nhiên vì câu trả lời mong muốn nó bao quát hết được nên nó hơi dài so với tiêu chuẩn đặt ra. Tuy nhiên qua các trả lời đó tôi đánh giá là Bộ trưởng thực sự nghiêm túc trách nhiệm trước những câu hỏi của cử tri và đại biểu của cả nước.
Ông Dương Minh Tuấn: Tôi nghĩ các đại biểu có câu hỏi rất hay, đối với Bộ trưởng thì bộ trưởng cũng nắm được vấn đề và trả lời cơ bản được các ý của đại biểu đặt ra. Về các nội dung trả lời của Bộ trưởng thì tôi đề nghị Bộ trưởng phải phân tích các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện những vướng mắc khó khăn mà đại biểu đặt ra.
Mặc dù không đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Bộ giáo dục đào tạo là xuất sắc, tuy nhiên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng- Đoàn Bến Tre cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng đã đáp ứng được yêu cầu của cá nhân đại biểu, bởi đây là lĩnh vực có quá nhiều điểm nóng trong xã hội hiện nay, đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ ngành, nhiều cấp, cũng như của toàn xã hội. Trả lời chất vấn của các đại biểu trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra rất nhiều giải pháp cho ngành giáo dục đào tạo. Nhận định về các giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết: "Tôi nghĩ rằng những giải pháp Bộ trưởng đặt ra có thể chấp nhận được, những vấn đề cử tri và các đại biểu đặt ra ngày hôm nay và đúng như cái phần trả lời của Bộ trưởng thì tôi hi vọng là sẽ có sự cải tiến đáng kể trong việc khắc phục cái vấn đề mà hiện nay hệ thống của chúng ta đang có sự khủng hoảng, thứ hai là có khả năng đẩy được chất lượng của hệ thống giáo dục của chúng ta lên một tầm khác trong thời gian tới".
Cử tri kiến nghị đạo tạo phải sát với yêu cầu thực tế
Theo dõi phiên chất vấn của đại biểu với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, nhiều cử tri ở TPHCM cũng kiến nghị và đề xuất vị Tư lệnh ngành phải có nhiều đột phá hơn nữa về giải pháp để chấm dứt các tiêu cực trong giáo dục, coi trọng về đào tạo nhân cách cho học sinh, dạy lý thuyết phải đi đôi với thực hành.
Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học, công tác quản lý giáo dục mầm non, nhất là giáo dục mầm non ngoài công lập, các cử tri cho rằng, ngành giáo dục và đào tạo cần có sự chuyển đổi mạnh mẽ trong việc dạy và học, cải cách giáo dục theo hướng tăng cường đào tạo kỹ năng, tập trung vào chương trình thực hành để sinh viên sau khi ra trường dễ dàng tiếp cận vào công việc. Cử tri Vương Liêm, Chủ tịch Hội người cao tuổi quận 1 cho rằng: "Bộ giáo dục và Đào tạo hoặc các ngành có chức năng về giáo dục phải đề ra được những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học cũng như giáo dục phổ thông để đáp ứng thực tế phát triển của đất nước cũng như trong quá trình hội nhập với thế giới".
Cũng ở nội dung này, cử tri Nguyễn Vịnh đề nghị: "Về mặt cơ chế, chính sách, nhà nước nên sớm ban hành các chính sách để làm sao gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp và nhà trường ngay trong quá trình đào tạo. Vấn đề thứ 2 tôi thấy cũng rất là quan trọng, đó là hãy cấu trúc lại chương trình theo hướng tăng thời lượng thực hành để cho sinh viên có thể thực hành. Nhờ thế mà sinh viên khi ra trường có thể đảm bảo hình thành vững vàng kỹ năng nghề để có thể đáp ứng được yêu cầu khi đi xin việc".
Dù Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ có thừa nhận những khuyết điểm, một số thiếu sót của ngành, gây ra nhiều bức xúc cho xã hội. Với trách nhiệm là người đứng đầu ngành, Bộ trưởng xin chịu trách nhiệm về những việc chưa làm được và hứa thực hiện tốt hơn trong thời gian tới. Song, theo nhiều đại biểu, các hiện tượng tiêu cực vẫn còn xảy ra nhiều ở các cấp học, bậc học, ở cả giáo viên cũng như xuất phát từ học sinh… Tất cả gây ra những tác động xấu và tạo nên sự trăn trở, bức xúc trong xã hội và làm giảm niềm tin của cử tri đối với ngành giáo dục. Cử tri Trần Đông Anh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 nói: "Đào tạo con người trước và đào tạo kỹ năng sau. Từ lâu rồi chúng ta chỉ chú ý đào tạo kỹ năng mà không có chú trọng đào tạo về con người. Chính vì vậy, có rất nhiều thành phần có kỹ năng rất cao nhưng lại không có đạo đức".