Chờ...

Chính quyền đô thị - sức bật mới cho TPHCM phát triển nhanh và bền vững (Kỳ 2)

(VOH) - Với sự kỳ vọng và mong muốn của người dân khi thực hiện chính quyền đô thị, các cấp chính quyền cũng khẳng định quyết tâm khi bắt tay và triển khai thực hiện chính quyền đô thị.

Người dân không chỉ được thụ hưởng những hiệu quả từ quá trình đổi mới mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần giám sát vận hành, hoạt động của mô hình Chính quyền đô thị.

Kỳ 2 của loạt bài "Chính quyền đô thị - sức bật mới cho TPHCM phát triển nhanh và bền vững" có nhan đề Người dân có nhiều kênh giám sát chính quyền đô thị”

Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh
Sáng 16/11/2020, với 420 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 87,14%), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh.

Về cơ bản, bộ máy hoạt động trong mô hình Chính quyền đô thị sẽ được tinh giản, gọn nhẹ. Theo đó, nhiệm vụ của Hội đồng nhân dân sẽ được chuyển giao cho các đơn vị khác, khắc phục được sự trùng lắp chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan.

Đặc biệt, công tác giám sát được chuyển giao cho các cơ quan khác như Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị của phường. Điều này đồng nghĩa người dân thông qua các Mặt trận tổ quốc, đoàn thể (người lao động, hội viên nông dân, đoàn viên thanh niên, hội Phụ nữ, hội Cựu chiến binh) sẽ đóng góp “tiếng nói” mạnh mẽ hơn vào quá trình giám sát hoạt động của Chính quyền.

Để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi như vậy thì một vấn đề các cấp chính quyền địa phương cần chuẩn bị là công tác cán bộ. Việc sắp xếp, bố trí lại cán bộ hết sức quan trọng và mấu chốt khi thực hiện chính quyền đô thị. Do vậy, việc sắp xếp, sàng lọc, bố trí lại cán bộ là điều tất nhiên nhằm bảo đảm chính quyền đô thị vận hành tốt nhất.

Để chuẩn bị cho vấn đề này, ông Lê Tiến Sỹ - Bí thư Đảng ủy phường Tân Định - quận 1 cho rằng, phải có lộ trình giải quyết nhanh, phù hợp vì hiện nay trùng với việc phải thực hiện Nghị định 34, sắp xếp lại các tổ chức trong phường trong đó cán bộ không chuyên trách giảm. Đối với nhân sự như vậy thì không thể đưa về cán bộ không chuyên trách nhưng cũng không bố trí được là công chức chuyên môn của phường do không tổ chức kỳ thi tuyển công chức của phường.

Hiện nay, phường đang có lộ trình kiến nghị với Quận để tổ chức sớm kỳ thi tuyển hoặc tổ chức xét tuyển, sát hạch đối với những trường hợp như vậy. Khi không thực hiện Hội đồng nhân dân ở cấp phường thì khâu nhân sự về lựa chọn, hiệp thương nhân sự, tổ chức bầu cử sắp tới sẽ đơn giản hơn, tinh gọn hơn, tiết kiệm hơn.

“Chúng tôi đã có Nghị quyết lãnh đạo, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể thông qua các nhiệm vụ như nâng cao công tác giám sát xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị tăng cường sự giám sát của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn phường đối với việc xây dựng chính quyền, đặc biệt đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân”, ông Sỹ cho biết.

Ông Mai Nhật Phương - Bí thư Đảng ủy phường 7 quận 10 cho biết, do không còn Hội đồng nhân dân thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp bổ nhiệm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch hoặc ủy viên của UBND cấp dưới phù hợp, đảm bảo thống nhất giữa cơ quan chính quyền cấp trên với cấp dưới trong hệ thống chính quyền ở tại địa phương. Việc này tạo thuận lợi cho cấp ủy và UBND cấp trên lựa chọn, điều động cán bộ để đề cao trách nhiệm của người được điều động trong thực hiện quyền hạn nhiệm vụ được phân công tại cấp phường.

So với việc đưa ra để HĐND cùng cấp bầu, thực hiện cơ chế chỉ định có thời gian nhanh hơn do không phải chờ đến các kỳ họp của HĐND. Theo đó, khi không tổ chức HĐND sẽ giúp cho chính quyền địa phương gọn nhẹ, thông suốt hơn. Cơ quan chính quyền ở quận, phường chủ động điều hành nhanh chóng các vấn đề cấp bách ở cơ sở nhất là khu vực đô thị như phường 7, quận 10. Địa phương cũng tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách chi cho Hội đồng nhân dân cấp quận, phường.

Tất cả các chủ trương đều hướng đến lợi ích của người dân là hàng đầu, điển hình là cải cách hành chính để có thể giải quyết ngay vấn đề cho bà con.

Ở cấp phường phải chuyển động ngay, có kế hoạch, dự thảo để từ đó giao đầu mối cho Mặt trận, đoàn thể. Phải tiếp cận ngay vấn đề nếu chính thức chính quyền đô thị được ban hành; Từng bước xây dựng dự thảo, chương trình, kiểm tra giám sát, các vấn đề của xã hội; Tổ chức thực hiện theo từng tháng, từng quý trong năm 2021 với tinh thần tiếng nói của người dân đại diện cho quần chúng nhân dân ở khu dân cư”, ông Phương khẳng định.

Trong thời gian TPHCM được Quốc hội cho phép thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, phường thì dân chủ trong cộng đồng xã hội, dân chủ trong nhân dân và các tầng lớp nhân dân đều được phát huy. Người dân vẫn đồng thuận cao với các chủ trương chính sách mà các địa phương đề ra.

Nói về vấn đề này, ông Võ Thành Minh - nguyên Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận cho rằng, khi không có HĐND quận trong thời gian thí điểm thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc với các chức năng giám sát và phản biện xã hội, cùng với cả hệ thống chính trị và sự lãnh đạo của Quận ủy thì mọi công việc điều hành của chính quyền được thực hiện một cách đầy đủ.

Theo ông Minh, đối với đô thị lớn, điều kiện hiện nay ứng dụng công nghệ thông tin thì người dân có nhiều kênh giám sát chính quyền từ cơ sở, tổ dân phố, khu phố, phường xã cho tới quận huyện.

Tôi tin rằng với sự lớn mạnh của hệ thống chính trị, trong đó UBMTTQ đại diện cho lợi ích, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân. Cùng với ứng dụng công nghệ thông tin, công khai hóa, minh bạch hóa những vấn đề của Đảng, Chính phủ, người dân ở khu đô thị đều có thể theo dõi nắm bắt hoạt động của chính quyền hàng ngày, hàng giờ nên việc giám sát rất thuận lợi”, ông Minh nói.

Với chính quyền đô thị, theo ông Phạm Hoài Minh Tân – Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Quận thủ Đức thì chủ trương xây dựng chính quyền điện tử tiến đến chính phủ số, chính quyền số sẽ giúp người dân ngày càng thuận lợi hơn khi được tham gia giám sát các hoạt động của nhà nước và của chính quyền địa phương; Cử tri có điều kiện tiếp xúc với chính quyền để thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ, mong muốn của mình với chính quyền. Điều kiện chính quyền đô thị có thể làm tăng quyền giám sát gần nhất của người dân.

“Chúng ta thấy hiện nay rất rõ là thông qua các kênh, cổng thông tin điện tử, các app đã triển khai như app Thủ Đức trực tuyến, đô thị Thủ Đức thì người dân đã có thể trực tiếp phản ảnh đến các cấp chính quyền. Như vậy, nhiều phản ảnh đó đã được chính quyền quan tâm giải quyết thỏa đáng. Đó cũng là một điều mà chúng ta hướng tới, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân mà đặc biệt là đối với công tác giám sát hoạt động của nhà nước”, Trưởng ban Tuyên giáo quận Thủ Đức cho biết.

TPHCM
TP Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa

Quá trình xây dựng Chính quyền đô thị đang hướng đến hình thành bộ máy công quyền hiện đại, số hóa hệ thống giải quyết hồ sơ thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, mọi tầng lớp nhân dân đều có thể tham gia vào quá trình giám sát, đóng góp ý kiến thông qua chính hệ thống hành chính điện tử công khai minh bạch. Đó là chưa kể đến vai trò giám sát từ các đoàn thể MTTQ.

Như vậy, mô hình Chính quyền đô thị về cơ bản không chỉ tạo ra một nền tảng số hóa hiện đại để thực hiện công tác điều hành, quản lý mà còn đồng thời tạo ra cơ chế giám sát mạnh mẽ hơn, gần dân hơn để giúp hệ thống hành chính công vụ mới luôn có động lực không ngừng cải tiến, hoàn thiện nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp với hiệu quả cao nhất.