Chính quyền đô thị tại TPHCM góp phần vào sự phát triển chung của cả nước (kỳ 1)

​​​​​​​(VOH) - Chính phủ vừa thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, sau đó đã được Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thẩm tra về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, trình Quốc hội cho ý kiến. 

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được nghiên cứu, xây dựng và đánh giá tác động kỹ lưỡng. Quá trình xây dựng Đề án và dự thảo Nghị quyết, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Nội vụ đã tổ chức lấy ý kiến bằng văn bản của các cơ quan trung ương có liên quan, tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo, hội nghị và nhận được sự tán thành của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị.

 Kỳ 1: Một xu thế tất yếu

Việc xây dựng chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh là hợp lý và cần thiết. Đó là ý kiến chung của nhiều đại biểu khi đề cập đến đề án này. Theo phân tích của ông Tạ Văn Hạ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu thì trong báo cáo của Chính phủ cũng như trong tờ trình đề án của TPHCM và tờ trình của Chính phủ là tương đối rõ và kỹ.

Ảnh minh họa: TTO 
Ảnh minh họa: TTO 

Cũng như các đại biểu khác, ông Tạ Văn Hạ rất đồng tình với các đề nghị của Chính phủ về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM vì mô hình này đã được thực hiện thí điểm ở TPHCM cùng một số thành phố khác. Bên cạnh đó, TPHCM cũng đã tổng kết, đánh giá mô hình này và khẳng định những ưu việt, ưu điểm của mô hình nên thời điểm này là thời điểm thích hợp để triển khai, đi vào thực hiện mà không cần thí điểm nữa. Còn về cơ sở pháp lý, khi luật tổ chức Chính phủ và luật tổ chức chính quyền địa phương đã được quy định cho phép tổ chức thực hiện mô hình thì có nghĩa là mô hình này đã được luật hóa ở luật tổ chức Chính phủ và luật tổ chức chính quyền địa phương rồi, do vậy, về cơ sở pháp lý đã được đảm bảo. Đồng thời về chủ trương, Bộ chính trị đã có Nghị quyết, kết luận 74 chỉ đạo không tổ chức thí điểm.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - đoàn Bạc Liêu nhấn mạnh, với những yếu tố vừa phân tích, Thành phố Hồ Chí Minh có thể triển khai thực hiện ngay đề án chính quyền đô thị: ”Đề nghị của Chính phủ để TPHCM tổ chức Chính quyền đô thị triển khai thực hiện vừa có cơ sở thực tiễn, cơ sở pháp lý và cũng đúng với chủ trương của Đảng. Cho nên tôi hoàn toàn ủng hộ”, đại biểu Văn Hạ ý kiến.

Đối với đề án hính quyền đô thị tại TPHCM, ông Phạm Tất Thắng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, hoàn toàn ủng hộ và cho đây là đề xuất cần thiết và hợp lý. Ông Phạm Tất Thắng nhận định TPHCM là đô thị lớn nhất của cả nước, là trung tâm, là động lực kinh tế của cả nước. Việc cho phép TPHCM tổ chức mô hình chính quyền đô thị sẽ tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền, giảm thủ tục hành chính cần thiết, thu gọn đầu mối, góp phần cải cách hành chính một cách mạnh mẽ hơn nữa. Đồng thời, đề án Chính quyền đô thị tại TPHCM không chỉ tạo động lực cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển, tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu mà còn là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước. “Đề án chính quyền đô thị TPHCM hiện nay đặt trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ, nền kinh tế có độ mở rất lớn trên 200%, hội nhập sâu rộng, mạnh mẽ với khu vực và thế giới. Đặc biệt với TPHCM như chúng ta đã biết, TP là đầu tàu, là động lực kinh tế của cả nước, TPHCM thu hút rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Việc áp dụng cơ chế chính quyền đô thị sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi, giảm thủ tục hành chính để TPHCM hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa, qua đó ngày càng thúc đẩy sự phát triển của TPHCM”, theo đại biểu Tất Thắng.

Nêu ý kiến về việc xây dựng chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đặng Hoàng Tuấn - Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cho rằng đây là nỗ lực của Chính phủ để thực hiện chính quyền đô thị, để gắn với công cuộc cải cách hành chính cũng như trong bối cảnh nền công nghệ 4.0 tới đây, đòi hỏi chính quyền phải tiếp cận được công nghệ cũng như nội tại phải có cải cách hành chính mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là đề án rất nỗ lực để thí điểm thực hiện chính quyền đô thị đối với TPHCM, một thành phố đi đầu trong cả nước về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa. 

“Tôi rất ủng hộ đề án này và mong muốn rằng khi Quốc hội thông qua để thành phố thực hiện chính quyền đô thị, tôi cũng mong mỏi thành phố cùng tập thể lãnh đạo thành phố sẽ quyết tâm thực hiện thành công đề án này. Đây cũng chính là tiền để để Chính phủ trong thời gian tới sẽ định hình tổ chức các bộ máy ở các tỉnh thành khác trên cả nước.”, Đại biểu Đặng Hoàng Tuấn kỳ vọng.

Người dân làm thủ tục đăng ký bất động sản tại Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM theo mô hình "một dấu một cửa" - Ảnh: TỰ TRUNG

Người dân làm thủ tục đăng ký bất động sản tại Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM theo mô hình "một dấu một cửa" - Ảnh: TTO 

Trong điều kiện đất nước bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, bà Tôn Ngọc Hạnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước – nhận định, việc tận dụng cải cách hành chính, tận dụng những điều kiện rút ngắn cải cách hành chính, thủ tục hành chính, chính quyền điện tử, chính quyền thông minh rất quan trọng. Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho rằng TPHCM đã có những cơ sở lý luận và thực tiễn rất chắc chắn để tiến hành thực hiện chính quyền đô thị: “Kính đề nghị Quốc hội thông qua để tạo điều kiện cho TPHCM phát triển hơn. Vì thực tiễn tôi thấy rằng là thành phố không cần thí điểm nữa mà thành phố có 6 năm kinh nghiệm thực hiện tổ chức chính quyền địa phương mà không tổ chức Hội đồng nhân dân ở cấp huyện, quận. Kết quả thực hiện thí điểm rất tốt. Tôi đề nghị nên thông qua nghị quyết này sớm, càng sớm càng tốt. Để TPHCM có những bứt phá, tận dụng được những cơ hội, những điều kiện phát triển trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.