Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chính sách tài khóa, tiền tệ cần tập trung vào các lĩnh vực cần được kích cầu

(VOH) - Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc và bước vào ngày làm việc đầu tiên theo hình thức trực tuyến tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Tại ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp, Quốc hội họp phiên trù bị, nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu; nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự kiến chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 04/01/2022
Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 04/01/2022

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã nghe: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu nhất trí với sự cần thiết thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ với tổng quy mô cho năm nhiệm vụ, giải pháp này khoảng gần 350 ngàn tỷ đồng là có sự tính toán kỹ lưỡng và chấp nhận thâm hụt ngân sách nhà nước tăng ở mức cao hơn, mỗi năm tăng khoảng 1 % đến 1,2 % GDP  trong hai năm thực hiện chương trình (2022- 2023).

Tuy nhiên, các đại biểu cũng băn khoăn về việc thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ sẽ ảnh hưởng đến việc bảo đảm cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn các chỉ số nợ công. Bày tỏ lo lắng về chính sách tài khóa, tiền tệ được thực thi sẽ dẫn đến đầu cơ, bong bóng tài chính, bong bóng bất động sản.

Quan tâm nhóm giải pháp hỗ trợ người lao động, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho rằng, bên cạnh nhóm chính sách thu hút lao động quay trở lại làm việc, cần bổ sung chính sách để người lao động yên tâm, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ hợp lý, công bằng đối với nhóm lao động phi chính thức.

Giải thích thêm về lý do chưa đưa nhóm chính sách lao động phi chính thức vào dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: ”Bộ có đề xuất nhưng trong quá trình cân đối có mấy lý do: Một là rút kinh nghiệm Nghị quyết 42 năm 2020 chúng ta có chủ trương Trung ương hỗ trợ cho lao động tự do cùng với địa phương, cuối cùng là triển khai không được. Lao động tự do họ rất cơ động, quản lý điều hành rất khó nhưng từ đó rút kinh nghiệm sang 68, giao hẳn cho địa phương mà chúng tôi ban hành một sàn và trần tối thiểu, tối đa, có hiệu quả ngay. Như vậy, khi Chính phủ bàn, giao cho các địa phương bàn bạc theo hướng đó.”

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần đặt trọng tâm, ưu tiên hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế, chính sách và tăng nguồn lực đầu tư cho y tế, giáo dục, an sinh xã hội.

Việc hoàn thiện thể chế gắn với cơ chế chưa đủ mà phải tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn, đồng thời đề nghị bổ sung nhóm giải pháp làm tăng hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo thu ngân sách nhà nước bền vững, tăng tính minh bạch của ngân sách, tăng vai trò điều tiết của công cụ thuế.

“Đưa tiền ra mà không có biện pháp quản lý sẽ có hậu quả nghiêm trọng trong các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ. Chúng ta làm việc này, không phải chỉ cho năm 2022 mà chính là một cột mốc để tăng trưởng năm 2023,2024,2025 tốt nhất, cố gắng thực hiện được mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ 13 đề ra.

Không chỉ trong ngắn hạn, dài hạn mà cần có một chính sách đột phá cho khoa học công nghệ để tương xứng. Chúng ta cần nghiên cứu, đề xuất xác định mức chi ngân sách nhà nước tối thiểu hằng năm dành cho y tế nhằm nâng cao năng lực của hệ thống y tế, đáp ứng thách thức mới về chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là cơ sở”.

Hôm nay, thứ tư, ngày 05/01/2022, Quốc hội nghỉ.

Chính phủ tổ chức Hội nghị của Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022.

Vào ngày thứ năm, ngày 06/01/2022, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở tổ về: i) Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; ii) Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.

Bình luận