Chính thức ký kết hiệp định TPP

(VOH) - Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được bộ trưởng từ 12 quốc gia thành viên chính thức ký kết vào sáng 4/02 tại thành phố Auckland, New Zealand.

Sau 5 năm đàm phán, Hiệp định TPP đã được ký kết. Ảnh Reuters.

Bộ trưởng thương mại Úc Andrew Robb là người đầu tiên ký kết hiệp định. Người đặt bút ký sau cùng là Bộ trưởng thương mại New Zealand Todd McClay.

TPP bao gồm các nước Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Brunei, Australia, New Zealand, Canada, Mexico, Chile và Peru.

12 quốc gia tham gia ký kết sẽ có 2 năm để đồng ý phê chuẩn hoặc từ chối hiệp định.

Hiệp định TPP tiếp tục đối mặt với những sự phản đối, đặc biệt từ người Mỹ, khi họ lo ngại sự cắt giảm việc làm.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết thỏa thuận này đặt công nhân Mỹ lên hàng đầu.

Quan hệ đối tác sẽ cung cấp cho Mỹ những lợi thế hơn so với các nền kinh tế hàng đầu khác, như Trung Quốc.

TPP cho phép Mỹ tự đặt ra những nguyên tắc để giữ thế dẫn đầu trong nền kinh tế thế kỷ 21, đặc biệt là tại khu vực kinh tế năng động như châu Á-Thái Bình Dương.

Biểu tình phản đối Hiệp định TPP bên ngoài Nhà Trắng hôm 3/ 2. Ảnh BBC.

Tổng thống Obama cho biết TPP nên được thực hiện trong năm nay. Điều này sẽ cung cấp cho người lao động Mỹ nhiều hỗ trợ từ doanh nghiệp cạnh tranh tại Mỹ.

TPP là gì?

TPP: Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, là thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia với mục đích hội nhập nền kinh tế khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

12 thành viên của TPP bao gồm: Australia, Brunei, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Canada, Peru, Singapore, Vietnam, Mỹ và Nhật Bản.

Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên.

Ngoài ra, TPP sẽ còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, an toàn lao động…

Thắt chặt hơn mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia này, thông qua các biện pháp giảm (thậm chí là loại bỏ hoàn toàn) các hàng rào thuế quan giữa các nước, giúp tăng cường trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Cùng với tăng cường dòng chảy vốn, TPP cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nhóm 12 thành viên.