Cho thuê thẻ, mở hộ thẻ ngân hàng bị phạt từ 50 - 100 triệu đồng

(VOH) - Những hành vi thuê, cho thuê, mở hộ, lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin thẻ… với số lượng từ 10 thẻ trở lên sẽ bị phạt nặng từ 50 - 100 triệu đồng.

Đây là mức phạt được quy định tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có hiệu lực từ ngày 31/12/2019.

Theo Nghị định 88, cá nhân bị phạt tiền từ 100 – 150 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

  • Thứ nhất, sử dụng thẻ ngân hàng để thực hiện các giao dịch cho các mục đích lừa đảo, gian lận; thanh toán bù trừ giao dịch thẻ không đúng quy định của pháp luật.
  • Thứ hai, chuyển thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code cho bên khác sử dụng; chấp nhận thanh toán thẻ mà không có hợp đồng thanh toán thẻ; sử dụng trái phép các thiết bị chấp nhận thẻ, QR Code.
  • Thứ ba, thực hiện, tổ chức thực hiện hoặc tạo điều kiện để người khác thực hiện các hành vi giao dịch thẻ gian lận, giả mạo; giao dịch thanh toán khống tại đơn vị chấp nhận thẻ (không phát sinh việc mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ).

 thẻ ngân hàng

Những hành vi thuê, cho thuê, mở hộ, lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin thẻ… với số lượng từ 10 thẻ trở lên sẽ bị phạt nặng từ 50 - 100 triệu đồng (Ảnh: LH)

Ngoài ra, Nghị định 88 quy định xử phạt đối với lĩnh vực thẻ từ 30 - 50 triệu đồng khi thu phụ phí hoặc phân biệt giá khi chủ thẻ thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ…

Hành vi thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử từ 1 đến dưới 10 ví sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng, còn trên 10 ví phạt từ 40 - 50 triệu đồng.

Phạt tiền từ 15 - 20 triệu đồng đối với hành vi cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng ví điện tử, trả lãi trên số dư ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm gia tăng giá trị tiền tệ trên ví điện tử so với giá trị tiền khách hàng nạp vào; vi phạm nạp rút tiền khỏi ví điện tử; không yêu cầu khách hàng phải có tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng trước khi sử dụng ví.

Phạt tiền từ 150 - 250 triệu đồng đối với hành vi cung ứng dịch vụ thanh toán không có giấy phép.

Xử phạt mua, bán ngoại tệ tại các tổ chức không được cấp phép

Tại Nghị định 88, mức phạt đối với hành vi mua, bán, trao đổi ngoại tệ tại các tổ chức không được phép thu đổi đã được quy định rõ ràng hơn. Cụ thể:

  • Phạt cảnh cáo nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);
  • Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 - 10.000 USD hoặc ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) mà tái phạm, vi phạm nhiều lần;
  • Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 - 100.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương);
  • Phạt tiền từ 80 - 100.000 triệu đồng nếu ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 USD trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương).

Nghị định cũng quy định mức phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với cá nhân không niêm yết giá mua, bán ngoại tệ tại địa điểm giao dịch hoặc niêm yết nhưng hình thức và nội dung không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng. Bên cạnh đó, cá nhân không niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng tại địa điểm giao dịch theo quy định cũng bị phạt từ 30 – 50 triệu đồng.

Ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là cần thiết - Sáng 26/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Bé gái 11 tuổi tử vong vì rơi từ tầng 39 chung cư  - Đội Điều tra Tổng hợp Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đang điều tra vụ việc một bé gái sinh năm 2008 tử vong thương ...