Sau Lễ đón chính thức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoweri Kaguta Museveni đã tiến hành hội đàm.
Tại cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các thành tựu mà Chính phủ và nhân dân Uganda đạt được thời gian qua, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, ứng phó thành công với đại dịch Covid-19, nâng cao vị thế đất nước tại khu vực và trên thế giới; chúc Uganda triển khai thành công Tầm nhìn Uganda 2040 (Uganda Vision 2040), đưa Uganda “từ một xã hội nông nghiệp thành một xã hội hiện đại và thịnh vượng.”
Tổng thống Yoweri Kaguta Museveni bày tỏ vui mừng lần đầu tiên thăm chính thức Việt Nam, chân thành cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu và trọng thị mà phía Việt Nam đã dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Uganda.
Tổng thống Yoweri Kaguta Museveni bày tỏ ngưỡng mộ lịch sử hào hùng của cuộc đấu tranh anh dũng giành độc lập dân tộc của Việt Nam trước đây cũng như những thành tựu ấn tượng của Việt Nam trong đổi mới, hội nhập, phát triển, không ngừng nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế.
Tổng thống Uganda chúc mừng Việt Nam đảm nhận thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp hiệu quả vào các nỗ lực đảm bảo hòa bình, an ninh và phát triển của Liên hợp quốc.
Hai nhà Lãnh đạo hoan nghênh những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác song phương trong những năm qua. Hai nước duy trì quan hệ, hợp tác kinh tế với kim ngạch trao đổi thương mại đạt 14,3 triệu USD năm 2021, tăng 39,8% so với 10,28 triệu USD năm 2020 và tổng mức đầu tư gần 40 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực khai khoáng tại Uganda, tích cực ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn đa phương.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Uganda tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất, nhập khẩu các mặt hàng là thế mạnh mỗi bên. Việt Nam nhập khẩu bông và gỗ từ Uganda, Uganda nhập khẩu lương thực, thực phẩm chế biến, dệt may, vật liệu xây dựng, phương tiện vận tải và linh kiện, thiết bị viễn thông... từ Việt Nam.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác nông nghiệp, coi đây là một trong những trụ cột của hợp tác song phương, trong đó ưu tiên bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực nhiều tiềm năng như giáo dục-đào tạo, thông tin và truyền thông, quốc phòng-an ninh, y tế, công nghệ thông tin, du lịch, dầu khí, nghiên cứu và sản xuất vắc xin.
Hai bên thống nhất phối hợp triển khai hiệu quả các văn kiện hợp tác đã ký kết, đồng thời thúc đẩy đàm phán tiến tới ký các văn kiện quan trọng về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, thuế hay các văn kiện hợp tác chuyên ngành khác nhằm củng cố khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho hợp tác, nhất là kinh tế giữa hai nước.
Hai bên cũng trao đổi một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, chia sẻ quan điểm giải quyết các vấn đề trong khu vực và trên thế giới bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở thượng tôn luật pháp quốc tế.
Sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến Lễ ký kết một số văn kiện hợp tác: Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ; Các Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực ngoại giao, giáo dục - đào tạo, thông tin - truyền thông và khoa học - kỹ thuật nông nghiệp.
Dự kiến, Tổng thống Uganda Yoweri Kaguta Museveni sẽ đến chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; thăm và làm việc với Tập đoàn FPT, Viện Khoa học và Nông nghiệp Việt Nam, dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Uganda.
Uganda là một quốc gia nằm hoàn toàn trong lục địa châu Phi và giáp hồ Victoria, hồ nước ngọt lớn nhất khu vực. Theo Ngân hàng Thế giới, dân số của Uganda năm 2021 là hơn 47 triệu người. Đất nước Uganda có nguồn tài nguyên phong phú, ngoài nước ngọt còn có các mỏ khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ với trữ lượng lên tới 1,4 tỉ thùng được phát hiện năm 2010. Hiện Uganda và Việt Nam chưa mở cơ quan đại diện tại thủ đô của nhau, thay vào đó là cơ chế kiêm nhiệm. |