Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Uy tín của tòa án là uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ

VOH - Chiều 24/12, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tòa án nhân dân tối cao với gần 800 điểm cầu trên cả nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tòa án năm 2024.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương - Ảnh: vietnamnet

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá trong năm 2023, công tác xét xử có nhiều chuyển biến tích cực, tỉ lệ giải quyết các vụ án đạt cao, tranh tụng tại phiên tòa được mở rộng, thực chất, hiệu quả hơn. Tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan thấp hơn năm trước, đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội giao.

Đặc biệt, việc tổ chức xét xử thành công nhiều vụ án tham nhũng lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, được xét xử đúng tiến độ, nghiêm minh theo pháp luật.

Biểu dương, đánh giá cao những thành tích mà ngành Tòa án đạt được chủ tịch nước cũng chỉ ra một số hạn chế, thiếu sót, Chủ tịch nước đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cầu thị, đánh giá rút kinh nghiệm và có giải pháp phù hợp khắc phục. 

Cụ thể những hạn chế, thiếu sót của ngành tòa án như tỉ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; năng lực, trách nhiệm, phẩm chất của một số cán bộ còn yếu, cá biệt có cán bộ  vi phạm pháp luật, việc tổ chức thi hành án tử hình chậm…

Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và quy mô nền kinh tế tăng nhanh thì các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính gia tăng đột biến. Từ đó làm cho hoạt động xét xử của tòa án ngày càng tăng lên, khó và phức tạp hơn.

Hội nghị diễn ra tại Đà Nẵng
Các đại biểu tham dự hội nghị  - Ảnh: vietnamnet

Trong khi đó, yêu cầu của xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó hoạt động xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá.

"Uy tín của tòa án là uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ, là niềm tin của người dân đối với công lý, công bằng xã hội. 

Mỗi bản án được tuyên phải thực sự làm cho mọi người tâm phục, khẩu phục, khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, xã hội đồng tình, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của các tòa án là phải nâng cao chất lượng xét xử, chú trọng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, hạn chế thấp nhất các bản án bị hủy, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán.

Khi phát hiện sai sót phải thành tâm nhận khuyết điểm, khẩn trương, kiên quyết khắc phục, sửa chữa để bảo vệ quyền và lợi ích tổ chức, cá nhân. Đó cũng là cách để nâng cao uy tín của tòa án.

Trong năm 2023, tòa án nhân dân các cấp đã giải quyết 540.000 vụ việc trên tổng số hơn 600.000 vụ thụ lý, đạt tỷ lệ hơn 89%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,89% và đáp ứng yêu cầu mà nghị quyết Quốc hội đề ra là không quá 1,5%.

Triển khai thi hành luật hòa giải đối thoại tại tòa án, năm 2023, các tòa án đã giải quyết 119.000 đơn, trong đó hòa giải, đối thoại thành hơn 63.000 vụ việc, người khởi kiện rút đơn trong quá trình hòa giải, đối thoại hơn 14.000 vụ việc.

Đặc biệt, đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, các tòa án đã xét xử sơ thẩm gần 3.200 vụ việc với gần 6.500 bị cáo; xử phúc thẩm 695 vụ việc với hơn 1.300 bị cáo. Tuyên thu hồi tiền, tài sản trên 1.800 tỷ đồng, có 163 vụ với 631 bị cáo khắc phục hậu quả, nộp lại tài sản đã chiếm đoạt trên 490 tỷ đồng.

Bình luận