Hội nghị nhằm đánh giá tình hình, kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác trên từng ngành, từng lĩnh vực.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, sự phát triển của TPHCM có sự đóng góp rất lớn của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Việc liên kết giữa TPHCM và các tỉnh, thành khu vực này là việc làm hết sức cần thiết và quyết liệt.
Theo ông Mãi, chương trình hợp tác liên kết cần có trọng tâm để mang lại hiệu quả. Về phía TPHCM, ông Mãi cho biết sẽ chỉ đạo các sở, ngành thực hiện ngay chương trình liên kết, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể từng năm.
Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút các dự án từ các nhà đầu tư TPHCM cho các địa phương trong vùng.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay hiện nay ĐBSCL đang phải đối mặt nhiều thách thức, nhất là từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn. Đồng Tháp xác định lấy "kinh tế xanh" là phương hướng chủ đạo trong phát triển.
Tỉnh khuyến khích đầu tư vào 5 ngành hàng chủ lực lúa gạo, cá tra, xoài, hoa kiểng, sen; nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí phục vụ nông nghiệp, du lịch, công nghiệp cơ khí phục vụ công nghiệp; cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến, chế tạo...
Ông Nguyễn Văn Út, chủ tịch UBND tỉnh Long An cho rằng để việc liên kết giữa các địa phương có hiệu quả, cần phải thành lập Hội đồng liên kết giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và TPHCM.
Trong khuôn khổ hội nghị, 45 doanh nghiệp, hợp tác xã của TPHCM và 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trên các lĩnh vực.