Chủ tịch Quốc hội: Đề nghị đại biểu chỉ rõ lĩnh vực, địa bàn xảy ra tình trạng lãng phí nghiêm trọng

(VOH) – Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021".

Ngày  20/10, phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,83%, cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Các khu vực của nền kinh tế đều có tốc độ phục hồi và tăng trưởng cao và thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, bình quân chỉ tăng 2,72% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện 9 tháng đạt 15,43 tỉ USD, tăng 16,2%.

Cùng với đó, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện; triển khai thực hiện kịp thời các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công, chính sách bảo trợ xã hội và các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, người dân bị ảnh hưởng nặng bởi đại dịch COVID-19.

Xem thêmThủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm vượt dự kiến, đạt 8,83%

Chủ tịch Quốc hội: Đề nghị đại biểu chỉ rõ lĩnh vực, địa bàn xảy ra tình trạng lãng phí nghiêm trọng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nhận định thời gian còn lại của năm 2022 và năm 2023 sắp tới tiếp tục phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, có thể làm chậm lại quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

Những thách thức đến từ diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế và an ninh - chính trị thế giới, những diễn biến mới,...

Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, phân tích sâu sắc bối cảnh, đặc điểm nổi bật của năm 2022, dự báo tình hình trong nước và thế giới trong thời gian tới để xem xét, quyết định các quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội cho hay tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021".

Đây là nội dung giám sát quan trọng, có quy mô lớn, phạm vi rộng, đang nổi lên cấp bách trên nhiều lĩnh vực được các đại biểu Quốc hội, nhân dân và cử tri cả nước quan tâm và gửi gắm nhiều kỳ vọng, mong muốn tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cùng với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những lĩnh vực, những địa bàn, những địa chỉ để xảy ra tình trạng lãng phí nghiêm trọng.

Làm rõ hạn chế, khó khăn, vướng mắc, chỉ rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan. Căn cứ kết quả giám sát, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về chuyên đề giám sát này.

Về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này đều rất quan trọng nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Trung ương.

Trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được xây dựng nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cần lưu ý đến việc giải quyết các nút thắt, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, có phương án xử lý phù hợp nhằm khai thông, giải phóng tối đa nguồn lực đất đai, tạo không gian, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Đồng thời, tách bạch rõ để đưa vào luật những quan hệ đất đai mang tính chất công và quan hệ đất đai mang tính chất tư, bảo đảm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu thống nhất quản lý, tính phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho các chủ thể xã hội được tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả, bền vững.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định miễn nhiệm, bầu Tổng Kiểm toán nhà nước; miễn nhiệm, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế.

Quốc hội cũng tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM và xem xét đề xuất của Chính phủ cho gia hạn hiệu lực Nghị quyết này và một số vấn đề quan trọng khác.

Bình luận