Chủ tịch Quốc hội đến New Zealand, bắt đầu chuyến thăm chính thức

(VOH) – 18 giờ ngày 3/12/2022 (giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã đến Sân bay quốc tế Auckland, bắt đầu thăm chính thức New Zealand.

Đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tại Sân bay quốc tế Auckland có Đại sứ Việt Nam Nguyễn Văn Trung, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand, đại diện chính phủ New Zealand và chính quyền thành phố Auckland.

Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội tới New Zealand nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới New Zealand từ khi hai nước mở cửa hoàn toàn trở lại sau đại dịch COVID-19. 

Đây cũng là chuyến thăm chính thức New Zealand đầu tiên của ông Vương Đình Huệ trên cương vị chủ tịch Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đến New Zealand, bắt đầu chuyến thăm chính thức 
Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Văn Trung đón Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến thành phố Auckland.

Trong khuôn khổ chuyến thăm từ ngày 3-7/12/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội New Zealand Adrian Rurawhe; hội kiến các nhà lãnh đạo cấp cao của New Zealand. 

Tham dự Diễn đàn Hợp tác giáo dục, Diễn đàn hợp tác kinh tế Việt Nam-New Zealand; thăm, nói chuyện với cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và cộng đồng người Việt Nam tại New Zealand và một số hoạt động quan trọng khác…

New Zealand hiện là đối tác thương mại lớn thứ 36 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng cao dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch: năm 2021 đạt 1,3 tỷ USD, tăng 26,7% so với năm 2020; trong khi 9 tháng đầu năm 2022 đạt 1,1 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2021.

New Zealand luôn dành cho Việt Nam nguồn ODA ổn định, đã thông qua quỹ ODA dành cho Việt Nam giai đoạn 2021-2024 là 26,7 triệu NZD (tương tự giai đoạn 2018-2021).

Việt Nam và New Zealand đều là thành viên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực (RCEP).

Bình luận