Chương trình hành động Quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam

(VOH) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động Quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025.

Theo đó, Chương trình hành động Quốc gia "Không còn nạn đói" đến năm 2025 thực hiện mục tiêu đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ dinh dưỡng cho người dân nhằm nâng cao thể trạng, trí tuệ, tầm vóc con người Việt Nam; đồng thời thực hiện mục tiêu phát triển bền vững số 2 (SDG2) do Chính phủ Việt Nam cam kết với Tổ chức Liên hợp quốc.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, cơ bản các hộ có đủ lương thực, thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng quanh năm; giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới hai tuổi với các chỉ tiêu: Giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 2 tuổi toàn quốc xuống dưới 20% (riêng vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên xuống dưới 25%), giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng gầy còm ở trẻ em dưới 2 tuổi xuống dưới 5%...

Cùng với đó là phát triển hệ thống lương thực thực phẩm bền vững (100% hộ tham gia chương trình được tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã và liên kết sản xuất); phần lớn các hộ nông dân sản xuất nhỏ tăng năng suất và thu nhập; phấn đấu không còn thất thoát hoặc lãng phí lương thực, thực phẩm.

Theo kế hoạch, Chương trình sẽ thực hiện một số nhiệm vụ như: Xác định nhu cầu về dinh dưỡng cho các độ tuổi của người dân trong hộ gia đình; thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp dinh dưỡng theo kế hoạch phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng để đảm bảo dinh dưỡng cho người dân; đảm bảo ổn định lương thực, thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của người dân; cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em kể từ khi còn là bào thai đến khi tròn 2 tuổi; tình trạng vi chất dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em được cải thiện; đảm bảo dinh dưỡng cho các đối tượng ưu tiên.

Đồng thời, hoàn thiện chính sách xã hội cần thiết nhằm hỗ trợ cho bà mẹ mang thai và trẻ nhỏ được tiếp cận các dịch vụ dinh dưỡng; nâng cao chất lượng hệ thống giám sát và cảnh báo nguy cơ về dinh dưỡng; phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm; xây dựng năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; phát triển hệ thống cung ứng và tiêu dùng lương thực, thực phẩm bền vững.

Thực hiện tăng thu nhập cho người sản xuất nhỏ để tăng phúc lợi nông thôn và giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế tập thể và kinh tế hợp tác trong nông nghiệp; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và khuyến nông; hoàn thiện cơ chế chính sách giúp cho công tác quản lý, áp dụng khoa học công nghệ nhằm giảm tổn thất và lãng phí lương thực, thực phẩm...