Chuyển đổi số TPHCM: Quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp

VOH - Chuyển đổi số TPHCM quyết liệt, đồng bộ là giải pháp để thành phố hoàn thành tốt chủ đề năm 2024 “Thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”

Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông  - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số TPHCM trả lời phỏng vấn VOH về thực hiện chuyển đổi số tại TPHCM theo chủ đề năm 2024 “Thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội”.

*VOH: Năm 2024, chỉ trong quý 1, chúng ta thấy TPHCM có thêm nhiều nền tảng, phần mềm để góp phần thực hiện thành công chủ đề năm, cũng như phục vụ nhân dân. Ông đánh giá lại những kết quả trong cải cách hành chính, trong chuyển đổi số mà TPHCM đã đạt được?

Ông Lâm Đình Thắng: Năm 2024, thành phố chọn chủ đề năm gắn với chuyển đổi số, thể hiện sự quyết tâm và kỳ vọng rất lớn của TP, để gắn với chuyển đổi số là chúng ta cải cách nền công vụ, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách thuận lợi hơn. Từ đầu năm đến nay, chúng ta đạt được nhiều kết quả tích cực, có thể kể như hình thành các nền tảng số, cải tiến qui trình nghiệp vụ thủ tục hành chính nhanh và giảm bớt thủ tục hành chính cho người dân. Đồng thời, củng cố an toàn thông tin, hạ tầng kỹ thuật của Thành phố. Lần đầu tiên cũng ban hành chỉ số chuyển đổi số, đánh giá mức độ chuyển đổi số của các sở ngành, địa phương. Với những giải pháp này thì nền hành chính của chúng ta đang dần hiện đại hơn, các kết quả xử lí thủ tục hành chính cho người dân được công khai minh bạch, giúp cho người dân tiếp cận với nền hành chính công vụ thuận tiện trên môi trường số.

Điều quan trọng nhất là chúng ta đang dần đưa nền hành chính, nền công vụ của Thành phố chuyển động nhanh trên môi trường số. Đây là mục tiêu mà chúng ta hướng tới.

https://data.voh.com.vn/voh/videos/2024/04/10/anh-thang-voh_1-115739.mp4

*VOH: Thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta có nhiều nền tảng nhưng chưa có sự kết nối đồng bộ, làm người dân có vẻ “rối” khi sử dụng các nền tảng số này. Vậy TPHCM làm sao để người dân thuận lợi hơn trong ứng dụng các nền tảng?

Ông Lâm Đình Thắng: Thực tế là chưa có liên thông đồng bộ về mặt dữ liệu giữa các địa phương, đơn vị trên địa bàn Thành phố. Việc này có nhiều nguyên nhân, xuất phát từ mặt kỹ thuật, thể chế, nguồn nhân lực, dữ liệu chưa đồng bộ giữa các đơn vị, giữa Trung ương và Thành phố, giữa các sở ngành, địa phương của Thành phố với nhau; kể cả từ kỹ năng của người dân và doanh nghiệp khi sử dụng các hoạt động trên môi trường số.

Về giải pháp, thứ nhất là cải tiến các qui trình, nghiệp vụ, làm sao đơn giản hơn, ít thủ tục hơn, tiết kiệm thời gian hơn cho ngừơi dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, Thành phố tiếp tục kiên trì lắng nghe một cách nghiêm túc và cầu thị các ý kiến của người dân, doanh nghiệp cũng như cán bộ công chức, viên chức của Thành phố nhằm cải tiến các hạ tầng số của TP ngày càng hoạt động hiệu quả hơn. Song song đó, cải tiến các qui trình nghiệp vụ, thủ tục hành chính làm sao tiết kiệm thời gian hơn, ít thủ tục hơn cho người dân và doanh nghiệp.     

Đồng thời, tích cực làm việc với các đơn vị của bộ ngành để liên thông đồng bộ các dữ liệu chuyên ngành, từ trung ương đến địa phương. Về kỹ thuật, thì giải quyết nhanh chóng các vấn đề phát sinh về mặt kỹ thuật mà hiện nay còn đang vướng mắc ở nhiều hơn. Về vấn đề kĩ thuật thì có liên quan một phần là nguồn nhân lực vì nguồn nhân lực của Thành phố về công nghệ thông tin rất thiếu, không phải ở các địa phương mà còn ở các đơn vị chuyên ngành như Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị doanh nghiệp về công nghệ thông tin của Thành phố.

Ngoài ra, tăng cường sự công khai, minh bạch các kết quả thủ tục hành chính, cải cách hành chính trên môi trường số để người dân và doanh nghiệp và các cơ quan dân cử như Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc có thể giám sát được.

Thêm giải pháp là đẩy nhanh số hóa để đưa dữ liệu của người dân lên môi trường mạng một cách nhanh nhất để người dân chỉ cần nộp hồ sơ một lần, từng bước không cần nộp hồ sơ bởi vì tất cả dữ liệu của người dân đã được số hóa trên môi trường mạng.

*VOH:Thực hiện chủ đề năm, Thành phố đang rất tập trung triển khai chuyển đổi số, cải cách hành chính vì lợi ích của doanh nghiệp, người dân. Vậy, chuyển đổi số ở Thành phố đang đạt kết quả ở mức độ nào thưa ông, đã thực sự toàn diện chưa?

Ông Lâm Đình Thắng: Thành phố xác định 2 mục tiêu tổng quát. Theo đó, đến năm 2025, Thành phố cơ bản vận hành nền hành chính của Thành phố trên các nền tảng số. Mục tiêu thứ hai là kinh tế số của TPHCM chiếm 25% GRDP. Hiện nay, đánh giá khách quan theo bộ chỉ số chuyển đổi số của quốc gia thì TPHCM đứng thứ 2 của cả nước. Tuy nhiên, thực tế so với yêu cầu và so với thực tiễn của TPHCM thì còn nhiều thách thức. Kết quả này cũng chưa toàn diện ở các lĩnh vực, các ngành, các cấp của Thành phố. Chúng ta đang trong quá trình tích cực, nỗ lực để chuyển đổi, từ nền hành chính công vụ trên môi trường giấy sang nền hành chính công vụ trên môi trường số.

*VOH:Vậy thì trong quá trình triển khai, ông Lâm Đình Thắng thấy có những khó khăn, vướng mắc và có đề xuất nào không ạ?

Ông Lâm Đình Thắng: Khó khăn trong giai đoạn chuyển đổi là rất nhiều và ở nhiều khía cạnh. Ví dụ như vấn đề thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng, hạ tầng số, công nghệ, kỹ năng của cán bộ công chức và người dân để có thể thao tác và sử dụng các hoạt động liên quan đến nhà nước trên môi trường số. TP thấy được những khó khăn đó và xác định những giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Có thể dẫn chứng như, về mặt thể chế, chúng ta đang chuyển qua nền công vụ vận hành trên môi trường số. Như vậy các qui định trước đây liên quan đến nền công vụ vận hành trên môi trường giấy là phải được điều chỉnh. Ví như giấy phép cấp cho người dân và doanh nghiệp phải là giấy phép điện tử, vậy giấy phép điện tử không phải chỉ một cơ quan cấp giấy phép chấp nhận mà phải tất cả các cơ quan trên địa bàn Thành phố kể cả cơ quan trung ương phải chấp nhận giấy phép này. Có như vậy thì nền công vụ trên môi trường số mới hiệu quả, tạo sự thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.

Hay về nguồn nhân lực, hiện nay, các đơn vị, các địa phương thì đang gặp khó. Vậy, một trong những giải pháp của Thành phố đó là hình thành Trung tâm chuyển đổi số của Thành phố. Đây là đội ngũ chuyên trách, có đội ngũ nhân lực có kỹ thuật, thì sẽ hỗ trợ cho các địa phương, sở ngành xây dựng các nền tảng, tư vấn về ứng dụng công nghệ thông tin, tổ chức tập huấn cho cán bộ công chức ở nơi đó để có kỹ năng và hiểu hơn công tác chuyển đổi số.

*VOH: Trong 3 quý còn lại năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm nhất trong thực hiện chuyển đổi số là như thế nào để đạt các mục tiêu đề ra thưa ông?

Ông Lâm Đình Thắng: Trong 3 quý còn lại thì TP còn rất nhiều việc để thực hiện Chủ đề năm 2024, trong đó có những nội dung mà chúng tôi ưu tiên.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, qui định để làm sao các ngành, các cấp đều tham gia một cách đồng bộ và quyết tâm cho công tác chuyển đổi số. Đồng thời, xem các hoạt động, kết quả của công tác chuyển đổi số là một trong những chỉ tiêu trong công tác năm, đánh giá thi đua lao động của cá nhân, tập thể.

Với công tác thể chế, ban hành các qui định để toàn bộ hệ thống chính trị của Thành phố sử dụng các nền tảng này. Vì khi chúng ta sử dụng các nền tảng chung thì dữ liệu mới được chia sẻ toàn thành phố. Từ đó mới có cơ sở người dân và doanh nghiệp khai báo một lần.

Ngoài ra, còn có các nhiệm vụ trọng tâm như xây dựng các nền tảng số mới, hình thành các nền tảng số quan trọng, ví dụ như hệ thống thông tin quản lí đất đai, hệ thống thông tin quản lí cấp phép xây dựng, các hệ thống liên quan đến đầu tư công, quản lí công sản của TP… Khi những hệ thống thông tin quan trọng này hoàn thành và đi vào vận hành sẽ tạo nên chuyển biến rất khác trong quản trị của Thành phố.

*Xin cảm ơn ông Lâm Đình Thắng rất nhiều!

Bình luận