Côn Đảo - lịch sử và hiện tại

(VOH) - Trở lại nơi từng “vào sinh ra tử”, các đại biểu đã không thể giấu nổi những giọt nước mắt khi đứng trước nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng ngàn chiến sỹ cách mạng.

Trong những ngày cuối tháng 7, sau 47 năm ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, đoàn lãnh đạo TPHCM cùng những cựu tù năm xưa lại đến với Côn Đảo - “địa ngục trần gian” năm nào. Trở lại nơi từng “vào sinh ra tử”, các đại biểu đã không thể giấu nổi những giọt nước mắt khi đứng trước nghĩa trang Hàng Dương, nơi yên nghỉ của hàng ngàn chiến sỹ cách mạng. 

Đền thờ Côn Đảo nghi ngút khói hương, những người cựu tù chính trị đã từng quá quen thuộc với xà lim, ngục tối, chuồng cọp… từng nhiều lần kể đi kể lại những câu chuyện thử thách ý chí và sức chịu đựng, những cuộc tấn công vào tinh thần lẫn thể xác của con người, nhưng trong câu chuyện hôm nay, có thể nhận ra niềm vui, niềm tự hào lấp lánh trong từng lời kể. Bởi ngày 27/7 năm nay đã không chỉ là ngày tri ân thương binh liệt sỹ của cả nước, mà còn là lễ giỗ chung của những người tù chính trị đã mất tại Côn Đảo năm xưa.

Côn Đảo - lịch sử và hiện tại 1
Các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh Đảng, Nhà nước và TPHCM thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương - Ảnh: SGGP

Ông Võ Ái Dân, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam thuộc Văn phòng Quốc hội, hiện là Phó Ban liên lạc Cựu tù chính trị và tù binh thành phố Hồ Chí Minh nhớ lại, trong quá trình hoạt động cách mạng, ông bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa đày ra nhà tù Côn Đảo từ năm 1964 - 1975. Với vai trò là Phó ban tổ chức Lễ giỗ Côn Đảo, nhân dịp lần thứ 40 ông trở lại Côn Đảo viếng các đồng chí của mình đang nằm lại nghĩa trang Hàng Dương, phóng viên Đài TNND TPHCM (VOH) có cuộc phỏng vấn ông về những tháng ngày bi hùng nơi Côn Đảo:

*VOH: Thưa ông, ông có thể kể lại quá trình ông hoạt động cách mạng và thời điểm bị địch bắt, tù đày ở Côn Đảo như thế nào?

- Ông Võ Ái Dân: Tôi bị bắt năm 1961 (thời kỳ Ngô Đình Diệm), ở trong đất liền hơn 3 năm chống địch bảo vệ khí tiết. Tuy không có bị án nhưng địch thấy không cải tạo được cho nên nó đày ra Côn Đảo. Ngày 2/9/1964 và sau đó ở trong các nhà lao có chuồng cọp Pháp, chuồng cọp Mỹ, khi mà mình đấu tranh bảo vệ chánh nghĩa, bảo vệ lãnh đạo thì kẻ địch bằng rất nhiều hình thức để tra tấn mình, nó đày đọa mình. Riêng ở chuồng cọp Pháp, tôi ở 5 năm. Trong 5 năm đó, vùng tù trị tù dùng cộng sản diệt cộng sản. Tôi trải qua 5 năm ở chuồng cọp Pháp và hơn 1 năm ở chuồng cọp Mỹ. Nó siết bóp đời sống của mình, ăn uống rất kham khổ, thiếu chất rau, người ta gọi là rau “tằn u” – rau tù ăn, tức là thứ gì mà bò trâu ăn được, thí dụ như bông mười giờ, lá bàng, cỏ cú, màng trầu. Có những cây bàng anh em lén lén ra hái trụi lá hết. Đó là cái hình thức địch nó diệt mình bằng cách đày đọa cho không thành con người, thua thú vật. Chuồng cọp ở Côn Đảo có 2 cái chuồng cọp, 120 phòng giam, có những lúc nó giam mình 1 người 1 phòng, có những lúc nó giam mình bề ngang có khoảng một thước sáu, bề dài khoảng một thước rưỡi, nó giam 10 người bằng cách đày đọa để đầu hàng. Sau Hiệp định Pari, nó tấn công giết một lần 3 người, nó bắn thẳng vô bằng lựu đạn cây chết mấy người một lúc, cho nên mình phải khẳng định là kẻ thù bao giờ cũng muốn giết mình nhưng mà mình có cách để mình sống còn.

*VOH: Trải qua những đau thương như vậy, mỗi lần trở lại Côn Đảo đối diện với chính những hiện vật từng gây đau thương cho mình và các đồng chí, với những người từng ở bên kia chiến tuyến, ông có suy nghĩ gì?

- Ông Võ Ái Dân: Nói chung là, nhân năm nay 75 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ, tôi cũng như nhiều anh em thanh niên khác, cả một đời thanh niên ở trong ngục tù của chế độ. Riêng gia đình tôi thì có người anh ruột đã hi sinh trở thành liệt sỹ và nhiều đồng chí cùng chiến đấu trong vị trí bảo vệ khí tiết cũng đã hi sinh ở Côn Đảo này. Cho nên mỗi lần ra Côn Đảo, nhớ các anh em, các chú đã cùng chiến đấu với mình, riêng tôi cũng như rất nhiều anh em khác là vô cùng thiêng liêng và mình tự nguyện rằng còn sống ở trên đời ngày nào thì ngày đó vẫn cống hiến, mặc dù tôi biết rằng quỹ thời gian của tôi ở trên đời này ngày càng thu hẹp, nhưng mà với sức mình đóng góp phần nhỏ bé để trả ơn nhân dân, đặc biệt là các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh cho Tổ Quốc, cho hòa bình, cho thống nhất đất nước.

*VOH: Với ông, có những ký ức dù đau thương tột cùng cũng sẽ không bao giờ quên. Tuy nhiên, theo ông làm sao để có thể khôi phục và tái hiện những hình ảnh để cho thế hệ trẻ có thể nhìn, cảm nhận được những đau thương, mất mát mà thế hệ cha ông mình đã trải qua?

- Ông Võ Ái Dân: Bây giờ ra này, nhìn qua thôi thì phát triển gấp mấy mươi lần so với trước đây, nhưng mà quan trọng nhất là xương máu của ông cha chúng ta từ năm 1862 đến 1975 là 113 năm đã hi sinh khoảng 2 vạn người, cho nên Côn Đảo được mệnh danh là Bàn thờ của Tổ quốc. Trong đó có những anh em cùng tôi chiến đấu và chết trong tay tụi tui, Côn Đảo đối với cá nhân tôi và đối với rất nhiều người vô cùng thiêng liêng. Đặc biệt là tại chỗ bắn 51 người, trong đó có chị Võ Thị Sáu, hoặc chỗ thiêu xác hiện nay vẫn còn hôi mùi. Cho nên tụi tui rất mong muốn rằng những cái gì đã diễn ra, lịch sử Côn Đảo nên tập hợp trở lại, nên tôn vinh để cho con cháu biết rằng ông cha đã dũng cảm chiến đấu, đã hi sinh để có điều kiện sau này con cháu thấy cái đó làm truyền thống để noi gương.

*VOH: Côn Đảo ngày xưa là “địa ngục trần gian”. Hôm nay trở lại ông thấy Côn Đảo ngày nay thế nào?

- Ông Võ Ái Dân: Ngày xưa Côn Đảo là địa ngục trần gian, ngày nay sau gần nửa thế kỷ thì Côn Đảo đã từng bước làm sáng lên mong ước của tiền nhân xây dựng Côn Đảo ngày càng đẹp hơn. So với trước đây thì Côn Đảo đẹp hơn hàng chục lần, bởi vì mỗi năm anh em chúng tôi đều ra Côn Đảo 3 - 4 lần, kỳ này là lần thứ 40 từ khi được giải phóng. Chúng tôi hết sức mong muốn rằng các thế hệ thanh niên hiểu được Côn Đảo, Côn Đảo là Bàn thờ của Tổ quốc, là nơi đã huấn luyện cho những thanh niên như chúng tôi giác ngộ cách mạng để nối tiếp truyền thống của ông cha, trong đó có những lãnh đạo rất xứng đáng của đất nước Việt Nam như cụ Tôn Đức Thắng, cụ Lê Duẩn, Phạm Hùng và hàng trăm, hàng ngàn những tiền nhân đi trước. Tôi là một thanh niên bình thường mà thôi cho nên cố gắng noi gương những tiền nhân bằng những việc làm hằng ngày để còn cái gì cho tương lai và chúng tôi rất hi vọng thế hệ tương lai mai sau hiểu được Côn Đảo, tự hào Côn Đảo, lấy đó làm sức mạnh tinh thần để vượt qua mọi khó khăn và để góp phần cho đất nước Việt Nam vài ba mươi năm nữa trở thành một nước hùng cường, dân chủ, không thua gì các nước trên thế giới như mong ước của Bác Hồ.

*VOH: Xin cám ơn ông!