Cơn lũ đi qua, tình người ở lại

(VOH) - Khi mà đau thương tràn ngập vùng lũ quét thì ở đó, ngọn lửa tình người lại được thắp lên.

Trong hành trình chia sẻ mất mát, đau thương ấy, chương trình “Sát cánh cùng gia đình Việt “- Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM đã mang theo hơn  800 triệu đồng mà thính giả gần xa đã chung tay đóng góp để về với bà con 2 tỉnh Sơn La và Yên Bái.

3 ngày cuối tuần, hơn 20 thính giả, mạnh thường quân của chương trình đã lên đường đến với Tây Bắc, trước khi đi những thông tin dự báo thời tiết về cơn bão số 7 và các tỉnh miền Bắc sẽ bị ảnh hưởng làm mọi người lo lắng nhưng chúng tôi càng quyết tâm phải đến được những nơi cần đến.

Đường đi chỉ còn lại như thế này ... - Ảnh: T. Xuân

Gần 3 giờ sáng đoàn mới tới được TP Sơn La và 6 giờ đã lên đường vào huyện Mường La. Chỉ rời khỏi trung tâm thị trấn chừng 5 km, những dấu vết kinh hoàng của trận bão bắt đầu hiện ra, tất cả mọi người đều bàng hoàng khi tận mắt chứng kiến những hình ảnh chân thực từ vùng rốn lũ. Ở đây chỉ còn lại đất đá ngổn ngang, nhà cửa, trường học, đường xá đổ nát.

Hỏi một cậu bé, “nhà con ở đâu” thì em nói, bị lũ cuốn trôi rồi. Chao ôi, nhà em đã vỡ vụn dưới những tảng đá hộc rơi xuống, con nước dữ ngang qua cuốn phăng tất cả mọi thứ. Trường tiểu học khang trang chỉ còn lại một phòng xiêu vẹo, tả tơi, dấu vết của trường mầm non là nhà vệ sinh còn lại trên đồi. Còn em chỉ còn trơ lại manh áo cụt mặc trên người, lạnh lẽo, run rẩy:

“Con chỉ còn mỗi bộ quần áo trên người, nước đã cuốn trôi hết chẳng còn thứ gì. Không có quần áo sẽ không được đi học. Con chỉ muốn đi học chỉ muốn có nhà.”

Nếu trẻ em ở đây sợ hãi một thì người lớn hoảng tới mười. Bởi hơn 70 năm qua, người ta mới chứng kiến một trận lũ lịch sử đến vậy. Đằng sau những dãy núi, ngọn đồi là tiếng khóc xé lòng của những người lớn mất đi vợ, chồng, con cái, cha  mẹ và người thân.

Những gì còn lại của sau cơn lũ như khắc họa nỗi đau mà người dân nơi đây phải gánh chịu - Ảnh: T.Xuân

Một người đàn ông mà chúng tôi gặp, không cần thân quen, chỉ cần biết là người từ phương xa tới, ông đã níu lấy tay rồi khóc nấc lên, bởi trong cơn lũ, ông đã vĩnh viễn mất đi người con và 2 đứa cháu. Chiếc khăn trắng và mảnh áo tang vẫn còn ở trên người, bởi sau cơn lũ ông cũng chẳng còn lại gì cho mình.

Gần đó, vợ và 2 người con của một người đàn ông khác đã mãi mãi không trở về. Chính trên mảnh đất Mường La, rất nhiều những người đàn bà nghèo mất đi tất cả tài sản – là ngôi nhà mà cả đời gom góp mới có được.

“Những nỗi đau mà em phải gánh chịu là rất lớn, cả nhà không kịp lấy bất kỳ thứ gì ngoài bộ quần áo mặc trên người. Lúc đó chừng 9 giờ hơn nước lũ đã dâng cao, tôi chỉ biết bế con chạy lên đồi, đồi sạt lỡ, chạy xuống đồng bằng thì chỉ toàn là nước. Tội 2 đứa nhỏ chị có bộ đồ chúng nó rét, nó run lẫy bẫy, có lẽ cả đời này em sẽ không quên trận lũ này.”

Tại đây, Đoàn đã trao tặng 200 suất tiền mặt cho các hộ gia đình và học sinh với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Cùng với 30 triệu đồng hỗ trợ Trường THCS Năm Păm xây dựng lại cơ sở vật chất hy vọng các em nhỏ sẽ sớm được đến trường.

Rời khỏi huyện Mường La, đoàn tiếp tục hành trình qua đến xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Cây cầu bắc ngang khu vực bị thiệt hại nghiêm trọng đang được khẩn trương sửa lại, địa phương cũng cố gắng khắc phục hậu quả để ổn định cuộc sống cho người dân.

Nhưng thương lắm những phận người nhỏ bé, chỉ trong phút chốc thôi đã mất sạch, cha mất con, vợ mất chồng. Nỗi đau biết đến bao giờ mới nguôi ngoai.

Mang theo hơn 400 triệu đồng của hàng trăm thính giả nghe Đài đóng góp cho người dân, học sinh ở nơi này, hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng: Đó không chỉ đơn giản là những số tiền cụ thể mà là sự mong muốn, là nỗi lòng mong cầu: sự an bình nơi cơn lũ vừa đi qua; là những mái tôn che mưa che nắng, là chiếc cặp sách của trẻ em đến trường; là nồi cơm, tấm áo của bà con trong cơn gió lạnh.

Một người dân nơi đây bộc bạch: “Tiền thì không biết bao nhiêu cho đủ, nhưng với tình cảm cũng như quãng đường xa xôi từ TPHCM ra đến đây là chúng tôi đã rất cảm phục. Những nghĩa cử ấy đã phần nào giúp vơi bớt những đau thương trước mắt trong cơn lũ xảy ra vào ngày 3/8 vừa qua.”

Lũ đã dần đi qua, từ tình người trong cơn bão sẽ giúp họ vượt qua mất mát đau thương tiếp tục sống. Những thính giả và mạnh thường quân đi cùng đoàn chẳng ngần ngại ôm chặt lấy người dân khi thấy họ bật khóc, nắm lấy tay họ khi họ run rẩy vì hơn ai hết những thính giả đồng hành càng hiểu rằng vì sao mình cần đến nơi này:  “Tôi rất xúc động nhìn thấy họ khóc khi nhận số tiền hỗ trợ của chương trình “Sát cánh cùng gia đình Việt”, đối với tôi đó là số tiền nhỏ nhưng đối với họ là cả một nguồn sống.”

Vậy đó, yêu thương sẽ là động lực để chúng ta cùng bước qua mất mát, đau thương. Yêu thương chính là lý do để vì sao hàng ngàn thính giả đã đồng hành cùng chương trình.

Ông Lê Công Đồng, Giám đốc Đài Tiếng Nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh đã xúc động: "Cơn lũ đi qua, nhưng tình người sẽ mãi còn ở lại, ở lại để san sẻ với bà con vùng rốn lũ vơi đi những nỗi đau thương vượt quá sức người. Chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng vì trong một thời gian phát sóng ngắn thì chúng ta đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của thình giả chương trình. Chúng tôi đã có mặt trực tiếp ở nơi đã trải qua cơn lũ khủng khiếp vừa qua. Lại thấy được rằng tình người của nhân dân cả nước dành cho đồng bào bị thiên tai.”

Rồi mai này nắng sẽ lên, những căn nhà mới sẽ lấp lánh nắng qua khung cửa; những mái trường, lớp học mới sẽ lại vang tiếng cô trò. Tây Bắc, rồi sẽ rộn ràng tiếng khèn, tiếng hát; mùa vàng rồi sẽ ấm no nếu hôm nay và mai đây nữa sẽ có thêm nhiều hơn những chuyến xe tình thương đến với vùng cao xa xôi ấy. Bởi - nơi đó là những ngổn ngang chưa biết bao giờ khỏa lấp được.