Cựu đại sứ Việt Nam tại Malaysia: Thu tiền để có “kinh phí dự phòng” cho việc chưa có tiền lệ

VOH - Tiếp tục phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu sáng 19/7, nhóm cựu cán bộ đại sứ quán tại Malaysia được tự bào chữa.

Viện kiểm sát cáo buộc trong quá trình tổ chức thực hiện 8 chuyến bay đưa 1.900 người mãn hạn tù về nước, với vai trò là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia, ông Trần Việt Thái đã chỉ đạo thuộc cấp thu những khoản tiền trái quy định, cao hơn thực tế.

Mỗi người mãn hạn tù về nước phải đóng 20,3 triệu đồng, 25 triệu cho người chưa có hộ chiếu. Những người ở các đảo khác cần bay về Kuala Lumpur đóng từ 30 - 35 triệu đồng/người.

Đại sứ quán thu phí cấp hộ chiếu với mức hơn 4,6 triệu đồng/cuốn nhưng chỉ nộp về ngân sách 1,6 triệu đồng/cuốn.

Tổng cộng Trần Việt Thái và cấp dưới thu 44,6 tỷ đồng nhưng các chi phí tổ chức chuyến bay giải cứu chỉ 33 tỷ, còn lại hơn 11 tỷ đồng. 11 tỷ đồng này, ông Thái trích 5 tỷ giữ lại tại đại sứ quán, số còn lại chia nhau theo tỷ lệ ông Thái 580 triệu, cấp dưới thấp hơn. Cựu đại sứ bị đề nghị phạt từ 5 - 6 năm tù.

Cựu cán bộ đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia: Thu tiền để có “kinh phí dự phòng” cho việc chưa có tiền lệ 1
Cựu đại sứ Trần Việt Thái - Nguồn: TTO

Cựu đại sứ Trần Việt Thái thừa nhận đã thu tiền trái quy định để làm khoản dự phòng nhưng sau không dùng đến vì “rủi ro không có hoặc chúng tôi đã chặn được rủi ro”.

Ông Thái lý giải do thời điểm năm 2021 dịch Covid-19 căng thẳng, dự toán kinh phí bảo hộ công dân chỉ có 10.000 USD nên phải thu thêm kinh phí dự trù.

Với những người mãn hạn tù muốn về nước, ông Thái cho biết bối cảnh việc tổ chức đưa công dân về có thể gặp phải nhiều rủi ro, các trại tù ở xa, cần chi phí bảo đảm sinh hoạt cho người mãn hạn tù vì mỗi tháng chỉ một chuyến bay.

Thời điểm đó phía Malaysia gọi đại sứ quán Việt Nam lên, đề nghị cho tàu hải quân sang đón công dân về. Tuy nhiên việc xin tàu không thực hiện được, ông tiếp tục liên hệ Cục Lãnh sự xin 5-6 chuyên cơ chở người về thì được phản hồi chỉ cho về dần, không thể về cùng một lúc vì không có chỗ cách ly.

Ông Thái nói rằng nếu không tổ chức chuyến bay, chỉ vào trại thu mỗi tiền hộ chiếu, hướng dẫn họ nộp tiền đại lý máy bay thì họ cũng không về được vì còn chi phí cách ly, nhiều chi phí khác…

Một cựu cán bộ đại sứ quán khác, bị cáo Nguyễn Hoàng Linh cho rằng không thể cáo buộc “lợi dụng chức vụ quyền hạn”. Bởi theo bị cáo, nếu có động cơ vụ lợi thì đã thông qua môi giới đưa công dân mắc kẹt về nước. Trong khi thực tế các cán bộ đại sứ thời điểm dịch bệnh đã xuống tận nơi, xuống các trại để khảo sát phỏng vấn công dân.

Khi đi khảo sát, có nhiều người mãn hạn tù không biết chữ, có những ngư dân đã vứt bỏ hết giấy tờ rồi lấy tên người Malaysia. Cán bộ đại sứ quán phải hỏi rất chi tiết rồi gửi thông tin về địa phương xác minh cho rút ngắn thời gian.

Về cáo buộc thu tiền trái quy định, thu tiền cao hơn thực tế, ông Linh giải thích việc tổ chức giải cứu đưa người dân mắc kẹt về nước là chưa có tiền lệ nên có thể phát sinh rủi ro, đại sứ quán đã thu cao hơn để đề phòng rủi ro.

Bào chữa cho câu hỏi vì sao thu tiền thông qua tài khoản của một cá nhân, cựu cán bộ đại sứ quán giải thích thời điểm dịch bệnh cách ly cấm đi lại, không thể ra ngân hàng rút tiền nên phải nhờ số tài khoản cá nhân.

Bị cáo Linh giải thích về việc nhận số tiền thu thừa chia lại rằng cảm giác đây là một khoản “bù đắp” cho chi phí tự bỏ ra khi thực hiện khảo sát. Cựu cán bộ đại sứ quán thừa nhận đã nhận ra sai phạm cá nhân và tự nguyện bồi hoàn số tiền được chia.

Bình luận