Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đại biểu chưa thống nhất việc mở rộng hình thức tố cáo

(VOH) - Sau phần lấy ý kiến biểu quyết thông qua Luật đường sắt sửa đổi, các đại biểu đã tiếp tục đi vào thảo luận các nội dung liên quan của dự thảo Luật tố cáo sửa đổi. Hình thức tố cáo và phương thức bảo vệ người tố cáo là nội dung được nhiều đại biểu đề cập.

Đặc biệt, có đại biểu chỉ rõ rằng, việc quy định hình thức tố cáo bằng thư hoặc tố cáo trực tiếp như dự luật là lạc hậu rất xa so với thời đại cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay.

Báo cáo trước các đại biểu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, tại các phiên thảo luận ở tổ và ở hội trường trước đó, có 185 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến. Nhìn chung, các ý kiến đều nhất trí sửa đổi toàn diện luật này và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của cơ quan chủ trì soạn thảo. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, nhiều nội dung của dự án luật chưa quy định cụ thể, nhất là các nội dung mới được bổ sung, chưa đánh giá kỹ tác động và không phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, khó đảm bảo tính khả thi như cơ chế bảo vệ người tố cáo còn lỏng lẻo.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho hay: “Có nhiều ý kiến đại biểu quốc hội cho rằng, so với luật tố cáo hiện hành, dự thảo luật vẫn chưa giải quyết triệt để các hạn chế, vướng mắc của luật hiện hành và thực tiễn giải quyết tố cáo hiện nay, như các vấn đề về hình thức tố cáo: tố cáo nặc danh, mạo danh, tố cáo có đúng có sai, việc xử lý đối với người tố cáo và người có trách nhiệm giải quyết tố cáo vi phạm như thế nào, thời gian giải quyết tố cáo, giao trách nhiệm cho cơ quan bảo vệ người tố cáo … Đây là những vấn đề mà nếu như chúng ta không được xử lý tốt sẽ hạn chế quyền tố cáo của công dân, chưa đạt được mục đích sửa đổi luật”.

Nghe bài viết:

ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) tham gia đóng góp về dự thảo Luật tố cáo sửa đổi - Ảnh: Quochoi.vn

Phương thức, hình thức tố cáo còn nhiều hạn chế

Đóng góp ý kiến về các phương thức, hình thức tố cáo, đại biểu Trần Hồng Nguyên, đoàn Bình Thuận cho rằng: việc quy định hình thức tố cáo cần tránh tình trạng lợi dụng để tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng tới danh dự, uy tín của người bị tố cáo. Tuy nhiên, không vì thế mà không chấp nhận các hình thức tố cáo tiện lợi khác trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay.

Đại biểu Nguyên đề cập: “Nếu chúng ta không chấp nhận các hình thức tố cáo thông qua các bản fax, email, điện thoại, mạng thông tin điện tử… thì nguồn thông tin mà chúng ta tiếp nhận được chưa toàn diện, chưa đáp ứng tính kịp thời và như vậy, công tác quản lý nhà nước nói chung cũng như việc xử lý, ngăn chặn các sai phạm do công chức gây ra vẫn còn hạn chế. Nếu hệ thống tiếp nhận tố cáo của nhà nước không phát huy được tác dụng thì những người tố cáo có thể dễ dàng đưa nội dung tố cáo đó lên mạng xã hội hay các trang web không chính thức.”

Cũng đề cập đến nội dung tố cáo và bảo vệ người tố cáo, đại biểu Phạm Trí Thức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đoàn Thanh Hóa cho rằng chưa có tính khả thi, còn hết sức chung chung. Do vậy, cần phải giao lại cho Ban soạn thảo chuẩn bị lại hoặc xem xét thông qua theo trình tự Luật tại 3 kỳ họp mới chất lượng.

“Hiện nay chúng ta đang ở trong thế kỷ 21 rồi mà chúng ta vẫn chỉ quy định 2 loại tố cáo: đơn thư hay tố cáo trực tiếp. Tôi cho rằng, như thế là lạc hậu rất xa so với nhân loại cách đây mấy nghìn năm. Mấy nghìn năm trước, nhân loại cũng đã có nhiều hình thức: văn bản, trên đá gọi là thạch thư, trên gỗ gọi là mộc thư, cho nên chúng tôi đề nghị khi quy định phải đảm bảo phù hợp với Khoản 1, Điều 65 về Luật phòng chống tham nhũng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân tố cáo trực tiếp, gửi đơn tố cáo, tố cáo qua điện thoại, mạng thông tin điện tử hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật”, đại biểu Thức đóng góp.

Lùi thời hạn xem xét thông qua

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn Nghệ An đề nghị lùi thời hạn xem xét thông qua nếu như các nội dung bảo vệ người tố cáo chưa được quy định chặt chẽ. Do vậy, cần phải tập trung làm rõ việc bảo vệ người tố cáo để tạo niềm tin, mạnh mẽ đứng lên tố cáo.

“Trong thực tế, việc tố cáo của công dân là cơ sở quan trọng đối với cơ quan chức năng trong việc phát hiện xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nhưng lại có thể gây nguy hiểm cho bản thân người tố cáo và gia đình họ. Do đó, trách nhiệm của nhà nước là phải bảo vệ người tố cáo. Điều này thể hiện bản chất của một nhà nước pháp quyền.

Tuy nhiên, trong thực tế, việc bảo vệ người tố cáo đang rất khó, ngay cả khi nghiên cứu dự thảo luật này, tôi vẫn chưa an tâm. Do vậy, tôi đề nghị thời gian tới, Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu kỹ thêm để làm rõ thêm những quy định liên quan tới việc bảo vệ người tố cáo. Tôi nghĩ rằng, không nên cứng nhắc việc chỉ có 2-3 kỳ họp mà chúng ta có thể thông qua một dự án luật đảm bảo chất lượng”, đại biểu Hoa đề nghị.

Để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh giúp Luật tố cáo đi vào cuộc sống, rõ ràng, dự luật cần phải thay đổi hình thức tố cáo cũng như nâng cao các biện pháp bảo vệ người tố cáo. Có như vậy mới tạo động lực và niềm tin để người tố cáo an tâm đứng lên đấu tranh với những cái xấu, cái sai đang tồn tại ngoài xã hội.

Bình luận