Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Đại biểu hội đồng nhân dân TPHCM tìm cách gỡ rối vấn đề an toàn thực phẩm

(VOH) - Chiều nay 24/5, Hội đồng nhân dân TPHCM đã tổ chức giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố 2 năm 2015 – 2016, những thuận lợi khó khăn và đề xuất kiến nghị.

Nhiều khó khăn trong quản lý

Báo cáo của Ủy ban Nhân dân TPHCM, trong 2 năm 2015 – 2016, các đoàn thanh, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành 3 cấp của thành phố đã thanh, kiểm tra hơn 98.000 cơ sở thực phẩm, phát hiện gần 15.000 cơ sở vi phạm, chiếm tỷ lệ hơn 15% với số tiền phạt trên 56 tỷ đồng; tịch thu, tiêu hủy trên 556 tấn hàng hóa thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Hai năm qua, thực hiện công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn còn bất cập, một số văn bản quy phạm pháp luật chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ gây khó khăn trong  quản lý, chưa có quy định kinh doanh riêng với mặt hàng hóa chất, phụ gia dùng trong công nghiệp với hóa chất, phụ gia dùng trong thực phẩm, quản lý an toàn thực phẩm tại chợ truyền thống còn nhiều khó khăn.

Hội đồng nhân dân TPHCM họp chiều 24/5

Lo ngại nhất 80% lượng nông sản thực phẩm thủy hải sản Thành phố tiêu thụ có nguồn gốc từ các tỉnh nhưng chưa kiểm soát từ gốc - ngay khâu trồng trọt, chăn nuôi nên tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng kháng sinh vẫn còn.

Điều này khiến người tiêu dùng chịu ảnh hưởng vì lực lượng thanh tra chuyên ngành hiện nay còn quá mỏng, thiếu quy định bổ sung danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm...

Trong hai năm qua, HĐND TP cũng đã đi giám sát 13 quận, huyện, 4 sở ngành, khảo sát 30 đơn vị sản xuất, dinh doanh, đi khảo sát tại trường Đại học quốc gia, 1 trường tiểu học.

Đoàn cũng đã làm việc khảo sát thực tế tại tỉnh Đồng Nai về truy xuất nguồn gốc thực phẩm, tỉnh Lâm Đồng rau củ quả và Đồng Tháp về thủy hải sản.

Gỡ rối cho thực phẩm

Qua những chuyến đi thực tế, nhiều đại biểu cũng còn lắm băn khoăn. Đại biểu Hội đồng Nhân dân TP Hoàng Thị Diễm Tuyết cho rằng, hoạt động quản lý an toàn thực phẩm không theo kịp sự phát triển của Thành phố nên người dân còn lo lắng về các bữa ăn không đảm bảo an toàn.

“Qua đợt khảo sát của Hội đồng nhân dân vừa rồi cho thấy những vụ vi phạm việc xử phạt chưa đủ sức răn đe, phải xử phạt nặng hơn nữa” – đại biểu Diễm Tuyết nhấn mạnh.

Ngoài ra, cần có chế độ khuyến khích doanh nghiệp tham gia kinh doanh, sản xuất, đảm bảo thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Hiện nay, công cụ đánh giá, kiểm nghiệm thực phẩm còn thô sơ, kết quả chờ đợi dài nên việc xử lí cũng kéo dài theo, do đó cần trang bị phòng xét nghiệm phục vụ thanh kiểm tra và sau nữa là tăng cường lực lượng thanh tra giám sát, nên có chế độ ưu đãi cho lực lượng kiểm tra giám sát…

Tiếp lời, đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm – Trưởng ban bạn đọc – Công tác xã hội - Báo Người Lao động cho biết, qua giám sát cũng thấy nổi lên một số vấn đề như: thiếu quy định cụ thể trách nhiệm chính quyền địa phương khi xảy ra ngộ độc thực phẩm và truy cứu sau ngộ độc thực phẩm, lực lượng thanh kiểm tra vẫn quá mỏng, công tác kiểm tra giám sát với những cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch, hậu kiểm hiện nay như thế nào…

Đại biểu Nguyễn Mạnh Trí – Phó Trưởng bộ môn Y học cổ truyền - Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho rằng, thời gian qua, người dân rất mừng vì có thể truy xuất nguồn gốc với sản phẩm thịt heo nhưng vẫn lo lắng không biết tình trạng giết mổ lậu hay tình trạng thịt heo không đảm bảo chất lượng tuồn ra thị trường còn hay không?

Về công cụ phục vụ cho kiểm nghiệm thực phẩm, số lượng test còn hơi ít trong thanh kiểm tra. Điều mà cử tri Thành phố rất quan tâm hiện nay là kinh doanh hóa chất phụ gia, bài toán  quản lý như thế nào?

Liên quan đến chợ tự phát, đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị quận Bình Thạnh băn khoăn, khi nhìn từ bức tranh thực tế, tại các chợ tự phát, vẫn còn nhiều người đến mua thực phẩm vì tâm lí thấy tiện là mua.

Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao để thực phẩm sạch đến được với họ, UBNDTP có chế độ nào với cơ sở, đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch hay chưa tại các chợ để hỗ trợ cho người dân có điều kiện tiếp cận, mua thực phẩm sạch.

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc - Phó Trưởng ban - Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP cho biết về giám sát, sắp tới Ban An toàn thực phẩm sẽ xây dựng chương trình cho hết thời gian thí điểm nhằm mục tiêu đưa thông tin cảnh báo nguy cơ, về năng lực xét nghiệm cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án nâng cao năng lực kiểm nghiệm để tìm những test nhanh, test nào có độ nhạy tốt để đáp ứng yêu cầu.

Về quản lý hóa chất phụ gia thực phẩm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố cũng đang xây dựng đề án kiểm soát vấn đề này.

Bình luận