Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho biết, Nhà nước thực hiện việc cấp biển số xe cơ giới, trong đó có biển số xe ôtô để phục vụ cho việc quản lý nhà nước về xe cơ giới. Cho nên, biển số xe cơ giới nói chung vẫn được coi như là giấy chứng nhận tài liệu của cơ quan nhà nước. Việc làm giả biển số xe cơ giới khi bị phát hiện được xử lý như là làm giả giấy chứng nhận, tài liệu của cơ quan nhà nước.
Dự thảo Nghị quyết lần này coi biển số xe ôtô là tài sản công dưới dạng tài sản đặc thù mà không phải giấy chứng nhận tài liệu của nhà nước. Thực tế, đến nay chưa có văn bản pháp luật quy định thế nào là tài sản đặc thù. Vậy tài sản đặc thù là tài sản gì hay được coi là tài sản như quy định tại Điều 105 Bộ luật dân sự.
Theo đại biểu Thịnh, dự thảo Nghị quyết một mặt quy định biển số ôtô là tài sản nhưng lại hạn chế quyền của người đang quản lý tài sản là biển xe ôtô được cấp theo hình thức trúng đấu giá.
Đại biểu cho rằng quy định như vậy là mâu thuẫn, nếu đã coi biển số ôtô là tài sản thì phải tuân theo những quy định của Bộ luật Dân sự về tài sản, quyền tài sản, quyền sở hữu tài sản để những quy định trong hệ thống pháp luật được thống nhất.
Về quyền nghĩa vụ của người trúng đấu giá, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng biển số xe ôtô cũng như điện thoại di động, là những tài sản nằm trong kho tài nguyên số do nhà nước quản lý không có văn bản nào quy định nhưng số điện thoại di động được coi là tài sản của công dân và có quyền chuyển nhượng, tặng, cho, thừa kế.
Nếu hạn chế quyền của người trúng đấu giá, đại biểu cho rằng chủ trương đấu giá biển số ôtô nhằm bổ sung ngân sách đối với số tiền thu được sẽ rất hạn chế, không khuyến khích mọi người tham gia đấu giá.
Đồng quan điểm với đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, đại biểu Trịnh Minh Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho rằng nên quy định biển số trúng đấu giá là tài sản của cá nhân. Người trúng đấu giá có các quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Đại biểu Trịnh Minh Bình cũng đề nghị bổ sung quy định người trúng đấu giá được giữ lại biển số xe để gắn sang xe khác trong trường hợp xe bị hỏng, bị mất, bị thu hồi. Cho thừa kế, biển số trúng đấu giá và người thừa kế đăng ký, biển số xe như là tài sản thừa kế.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Mạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, người nhận chuyển nhượng chỉ được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá theo xe của mình mà không được giữ lại biển số trúng đấu giá để đăng ký cho xe khác của mình, không được chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá cho người khác là không phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh theo hướng quy định người nhận chuyển nhượng được phép giữ lại biển số xe để đăng ký cho xe khác của mình như quyền của người đã trúng đấu giá sau khi chuyển nhượng, cho, tặng xe của mình cho người khác.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc, nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cử tri để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, báo cáo Quốc hội thông qua theo đúng quy định của pháp luật.