Đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng về chính sách phát triển nhà ở xã hội, khiếu kiện kéo dài...

(VOH) - Chiều 5/11, sau phần kết thúc chất vấn Nhóm vấn đề thứ 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đặt vấn đề chất vấn tại hội trường, đại biểu Quốc hội cho Lò Thị Luyến biết, chính sách về nhà ở xã hội được cử tri cả nước hết sức quan tâm, rất nhiều người có nhu cầu nhưng nguồn cung thiếu. Với các quy định hiện nay,  người lao động có thu nhập thấp rất khó đáp ứng để tiếp cận nhà ở xã hội. Bà Lò Thị Luyến đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết thời gian tới, Chính phủ có chính sách để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân hay không?

Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên
Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Trả lời chất vấn của đại biểu Lò Thị Luyến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần tháo gỡ cơ chế nguồn lực để phát huy hiệu quả hợp tác công- tư, rà soát hệ thống pháp luật để hạn chế các bất cập, nghiên cứu cơ chế cho việc thuê-mua, giải quyết các vấn đề trong công tác quy hoạch.

Chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp, đại biểu Hoàng Anh Công cho biết, tại Báo cáo giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân trong giai đoạn 2016-2021 nhận định trong thời gian qua, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, ngại va chạm, không tiếp công dân, không đối thoại với dân, thiếu quyết liệt, công tâm, khách quan trong việc giải quyết dẫn đến vụ việc không được giải quyết dứt điểm, trở thành những vụ việc tồn đọng kéo dài. Đại biểu đề nghị Thủ tướng có giải pháp khắc phục dứt điểm cái tình trạng này.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn.

Về vấn đề giải quyết khiếu kiện kéo dài, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, giải pháp đặt ra là cần rà soát việc quy định liên quan đến quy chế, pháp luật còn phù hợp với thực tiễn hay không. "Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong việc tiếp công dân, cần thể hiện tinh thần trách nhiệm, không né tránh, đặc biệt nêu cao tinh thần gương mẫu trong việc tiếp công dân của người đứng đầu; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tiếp công dân".

Xem thêm: Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam không chọn bên, mà chọn công lý và lẽ phải

Một vấn đề khác được đại biểu Quốc hội chất vấn với Thủ tướng là hợp tác công tư đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc định giá thương hiệu. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Thủ tướng cho biết giải pháp để giải quyết vấn đề này?

Về xây dựng thương hiệu công, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra rằng, việc xây dựng thương hiệu đối với các nước trên thế giới khá bài bản và được tiến hành từ khá lâu. Theo đó, khi định giá cơ sở, tổ chức nào đó thì bao gồm cơ sở vật chất, con người, trong đó có thương hiệu Thủ tướng khẳng định, tới đây, Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến xây dựng giá trị thương hiệu, không chỉ ở khu vực công mà ở cả khu vực tư. Cần tăng cường nhận thức về thương hiệu và giá trị thương hiệu, thực hiện hợp tác công tư, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục. Khi hợp tác công tư phải tính giá trị thương hiệu của mình…

Kết thúc Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, sau 2,5 ngày làm việc rất khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ, sôi nổi trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, Quốc hội đã hoàn thành tốt đẹp phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Đã có 345 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn, trong đó có 149 lượt đại biểu đã chất vấn, có 22 lượt đại biểu đã tiến hành tranh luận để làm rõ hơn những vấn đề mà đại biểu quan tâm.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, trên cơ sở chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và trả lời của các thành viên Chính phủ và kết luận của từng phiên chất vấn về từng nhóm vấn đề, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu, chuẩn bị dự thảo Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp.