Đại biểu Quốc Hội băn khoăn về cách xử lý nợ xấu

(VOH) - Sáng nay 23/5, các đại biểu Quốc Hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017; Nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018. Sau đó, các đại biểu thảo luận tại tổ về các nội dung liên quan.

Thảo luận tại tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, một số ý kiến cho rằng: Nghị quyết về xử lý nợ xấu mới bổ sung trong kỳ họp lần này quá gấp gây nên những băn khoăn và tạo nên một số câu hỏi cần giải đáp, trong đó đặc biệt là tìm ra cách tháo gỡ rất quan trọng. Về nguyên tắc xử lý nợ xấu cần xem xét lại và cũng không nên sử dụng ngân sách để mua nợ xấu, không được bán nợ xấu cho nước ngoài.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa, cho rằng: việc nhà nước lấy ngân sách để mua nợ xấu dễ tạo ra tiền lệ không hay về sau. 

Quý vị có thể nghe toàn bộ ghi nhận của phóng viên Hữu Nghị từ Hà Nội hoặc đọc chi tiết

 

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ: cần phải xem xét lại quy trình xây dựng luật, pháp lệnh hiện nay, nên có tính toán rõ ràng, đặc biệt là nên giao cho cơ quan chuyên trách xây dựng luật, pháp lệnh vì hiện nay công việc này chủ yếu giao cho các Bộ, ngành liên quan. Điều này đã lặp đi lặp lại từ nhiều năm nay.

Nhiều dự án luật đã đưa vào kế hoạch làm việc của Quốc hội nhưng không ít trường hợp đưa vào lấy ý kiến điều chỉnh rồi thấy chưa phù hợp lại đưa ra. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng: nên tìm cách nào để giải quyết một cách hợp lý hơn để đảm bảo hành lang pháp lý khi được điều chỉnh về kế hoạch xây dựng, ban hành luật, pháp lệnh.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đề nghị: không thể vội vàng đưa dự thảo, dự án luật vào các chương trình làm việc của Quốc hội khi mà chất lượng nội dung, dự án chưa được hoàn chỉnh, thiếu sự kết nối với các luật khác. Tuy nhiên, cũng không nên quá trì trệ, kéo dài nghiên cứu, xem xét lâu ít nhiều cũng gây nên sự mất ổn định nhất định. Chính vì vậy, cần có sự ổn định, đảm bảo tính chặt chẽ của một văn bản quy phạm pháp luật:

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 cùng với Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018 nhận được nhiều ý kiến đóng góp của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM.