Chờ...

Đại biểu Quốc hội đề nghị phân tích nguyên nhân lập dự toán không chuẩn

(VOH) - Sáng 9/1, Quốc hội tiến hành thảo luận về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021…

Về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị Chính phủ quan tâm nghiên cứu nguyên nhân có những địa phương vay dư vốn, phải trả lại, còn có những địa phương vay thiếu vốn.

Ông Hòa cho rằng, cần phân tích nguyên nhân lập dự toán không chuẩn, để có thể rút kinh nghiệm, đưa ra giải pháp khả thi, hữu hiệu cho tình trạng đầu tư cho vay, vay lại, trả lại vốn của các địa phương.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp:
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp

Phát biểu tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ nhất trí với các nội dung điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.

Tuy nhiên, bà Việt Nga cho rằng thời gian chỉnh lý ngân sách hằng năm theo quy định là kết thúc vào 31/01 năm sau. Như vậy, nếu hôm nay Quốc hội thông qua nghị quyết này thì chỉ còn 22 ngày nữa là đến 31/01/2023, các địa phương chỉ còn 09 ngày nữa để giải ngân hết toàn bộ số vốn được điều chỉnh tăng dự toán, điều này là khó khả thi.

Nếu không kịp thì mục tiêu của việc điều chỉnh là tạo điều kiện cho các địa phương sẽ không còn ý nghĩa.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cũng lo ngại về việc điều chuyển vốn vay của năm 2022 của các địa phương triển khai chậm, có địa phương như Bắc Kạn đề nghị từ tháng 4/2022; Phú Thọ đề nghị từ tháng 7/2022 nhưng công tác tổng hợp rất chậm. 

Công tác chuyển nguồn kinh phí phòng, chống COVID cũng rất chậm. Công tác lập kế hoạch của các địa phương nơi thừa, nơi thiếu… cho thấy công tác lập, thẩm định chưa có chất lượng cao, chưa sát với thực tiễn.

Xem thêm: Ngày 9/1, Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về chính sách phòng, chống dịch

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về vấn đề điều chỉnh dự toán, nếu đưa sang năm 2023 thì sẽ ảnh hưởng bội chi.

"Vừa qua, có một số tỉnh triển khai không hết nguồn vốn, phải trả lại, một số tỉnh thiếu, cần thêm nguồn vốn. Bộ Tài chính đã tổng hợp dữ liệu từ các tỉnh để đề xuất có sự điều chỉnh phù hợp, trình Quốc hội xem xét, quyết định để đảm bảo sự phát triển cân bằng, bền vững của các tỉnh, địa phương trên cả nước", ông Hồ Đức Phớc nói.