Phát biểu ý kiến dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ĐBQH Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TPHCM cho biết, theo thông lệ quốc tế, thông tin của khách hàng trong một số ngành nghề được bảo vệ rất nghiêm ngặt như ngành ngân hàng, luật sư…
Tuy nhiên đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết, nội dung liên quan đến quy định bảo mật thông tin khách hàng tại Điều 14 của dự thảo Luật chưa thật sự đầy đủ.
Theo đại biểu Nghĩa, mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân với gia đình. Thông tin về đời sống riêng tư cá nhân hoặc gia đình được pháp luật bảo đảm theo Hiến pháp, trừ trong các trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội…
Vì vậy, đại biểu đề nghị sửa lại Điều 14 theo hướng chỉ cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và các luật có liên quan.
Ông Nghĩa đề nghị chỉ yêu cầu cung cấp thông tin đối với những khách hàng có liên quan đến vụ án được khởi tố, điều tra…
Đề xuất xem xét, thông qua trong 2 kỳ họp nếu đủ điều kiện
Phát biểu ý kiến dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ĐBQH Tạ Đình Thi - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội bày tỏ nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, cho rằng các nội dung thẩm tra đã thể hiện rất sâu sắc…
Tuy nhiên để đảm bảo tính cấp bách, cần sớm đưa vào cuộc sớm, về thời gian thông qua, đại biểu Tạ Đình Thi đề nghị Quốc hội có thể xem xét, thông qua dự Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) theo quy trình 2 kỳ họp, thay vì 3 kỳ họp nếu Chính phủ và Cơ quan soạn thảo chuẩn bị tốt, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Tạ Đình Thi cũng đề nghị dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng và bổ sung làm rõ các nội dung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các Luật khác có liên quan như Luật doanh nghiệp 2020, Bộ luật dân sự năm 2015, các quy định về cơ chế bảo vệ cổ đông thiểu số…