Đắk Lắk: Ghi nhận thêm một trẻ mắc viêm não Nhật Bản

VOH - Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, ngày 24/6, bệnh nhi là bé N.X.N. (nam, 4 tuổi, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk).

Bé N. bắt đầu sốt vào ngày 16/6. Ba ngày sau, trẻ nôn ói ra nước, được người nhà đưa đi khám tại Trung tâm Y tế huyện Krông Pắk.

Ngày 20/6, tình trạng của bé N. tiến triển nặng, phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị.

Bệnh nhi được chẩn đoán co giật chưa rõ nguyên nhân, theo dõi viêm não màng não, theo dõi nhiễm trùng huyết, xử trí dịch truyền và các thuốc hỗ trợ khác.

Ngày 23/6, kết quả xét nghiệm từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên xác định bệnh nhi dương tính với virus viêm não Nhật Bản.

Hiện trẻ vẫn đang được tích cực chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Đắk Lắk: Ghi nhận thêm một trẻ mắc viêm não Nhật Bản 1

Viêm não Nhật Bản là bệnh do một loại virus thuộc họ Togaviridae ở trong nhóm B của các Flavivirus gây ra

Trước đó, Đắk Lắk ghi nhận trường hợp mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên ở bệnh nhi L.T.B.T. (nam, 11 tuổi, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk).

Do tình trạng nặng, bé T. được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) để điều trị với chẩn đoán viêm não màng não, nhiễm trùng huyết, xuất huyết tiêu hóa. Trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh viêm não Nhật Bản vào ngày 19/6.

Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp sau đây:

- Do bệnh lây truyền từ muỗi, nên cần vệ sinh môi trường sạch sẽ, định kỳ dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc để hạn chế nơi trú đậu của muỗi. Nếu có thể, nên dời chuồng gia súc ra xa nhà, xa nơi vui chơi sinh hoạt của trẻ, loại bỏ các ổ bọ gậy, bãi nước tồn đọng

- Cần cho trẻ ngủ màn để tránh muỗi đốt, thường xuyên sử dụng các biện pháp để phòng chống và tiêu diệt muỗi trong các hộ gia đình.

- Nên thực hiện tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch. Việc tiêm chủng vaccine được áp dụng cho người lớn và trẻ em đủ tuổi (từ 12 tháng tuổi trở lên).

- Tiêm chủng cần đảm bảo 3 liều cơ bản: Mũi đầu tiên khi trẻ vừa đủ 1 tuổi, mũi thứ 2 tiêm sau mũi thứ nhất từ 1 - 2 tuần, mũi thứ 3 tiêm sau mũi 2 một năm. Sau đó, cần cho trẻ tiêm nhắc lại mỗi ba năm một lần cho đến khi trẻ 15 tuổi.

- Khi đã mắc bệnh, điều trị chủ yếu chỉ tập trung vào việc giảm triệu chứng viêm não Nhật Bản. Chủ động cho trẻ tiêm vaccine và tuân thủ theo lịch tiêm phòng viêm não Nhật Bản theo khuyến cáo là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất.

Bình luận