Chờ...

Vacxin viêm não Nhật Bản và tất cả những điều cần biết

(VOH) - Viêm não Nhật Bản gây ra 10.000 ca tử vong mỗi năm. Hiện chưa có thuốc đặc trị và vacxin viêm não Nhật Bản vẫn là chiến lược hiệu quả và mạnh mẽ nhất để chống lại căn bệnh này.

1. Tìm hiểu chung về viêm não Nhật Bản

Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, xuất hiện phổ biến ở các vùng nông thôn ở Châu Á và Tây Thái Bình Dương. 

Virus viêm não Nhật Bản không lây từ người sang người mà lây qua con đường trung gian truyền bệnh duy nhất là muỗi culex. Muỗi culex sinh sản trong các vũng nước (thường là trong các cánh đồng lúa) và hoạt động mạnh hơn vào buổi tối.

vacxin-viem-nao-nhat-ban-va-tat-ca-nhung-dieu-can-biet-voh-1
Muỗi culex lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản (Nguồn: Internet)

Ở các khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới, bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm, cao điểm vào mùa hè và mùa thu (từ tháng 3 đến tháng 10, hầu hết các trường hợp xảy ra từ tháng 6 đến tháng 9).

1.1 Tình hình viêm não Nhật Bản trên thế giới

Ở các nước lưu hành bệnh, tỷ lệ mắc viêm não Nhật Bản hàng năm là khoảng 5.4/100.000 trẻ em từ 0-14 tuổi, và 0.6/100.000 ở những người trên 15 tuổi. 

Đối với các nước đang phát triển, tỷ lệ tử vong do viêm não Nhật Bản khá cao, có thể vượt quá 35%. Khoảng 10.000 ca tử vong do viêm não Nhật Bản được báo cáo trên toàn thế giới mỗi năm.

1.2 Tình hình viêm não Nhật Bản tại Việt Nam

Tại Việt Nam, trường hợp viêm não Nhật Bản đầu tiên được báo cáo vào năm 1952. Bệnh xảy ra trên khắp cả nước, nhưng chủ yếu là ở các vùng nông thôn miền Bắc, nơi người dân trồng lúa, hoa quả, rau và chăn nuôi lợn. 

Trước đây, ước tính hàng năm có khoảng 2.000-3.000 ca mắc viêm não, trong đó viêm não Nhật Bản chiếm 61.3%. 

Nhờ chương trình Tiêm chủng Quốc gia, vacxin viêm não Nhật Bản hiện đã được cung cấp cho trẻ em Việt Nam.

Ngày nay, chỉ có 10–15% các bệnh viêm não là do virus viêm não Nhật Bản gây ra. Từ tháng 1/2017 đến 1/2020, có 325 trường hợp mắc bệnh viêm não ở 31 tỉnh thành trên khắp Việt Nam và 5 trường hợp tử vong được báo cáo. 

Tỷ lệ mắc bệnh viêm não lần lượt là 65.8%, 12.3%, 17.5% và 4.4% ở các khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên.

2. Tầm quan trọng của việc tiêm vacxin viêm não Nhật Bản

Hầu hết những người bị viêm não Nhật Bản không có triệu chứng hoặc các triệu chứng rất nhẹ gần giống bệnh cúm hay cảm lạnh, như nhức đầu và sốt nhẹ. Nhưng khoảng 1 trong 250 người sẽ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng hơn, như:

  • Sốt cao
  • Đau đầu
  • Chóng mặt
  • Co giật
  • Khó cử động hoặc liệt

Các biến chứng của viêm não Nhật Bản có thể gây ra khuyết tật vĩnh viễn hoặc tử vong. Cứ 3 người có triệu chứng nghiêm trọng thì có 1 người tử vong, 1 người tàn tật suốt đời.

Hiện không có thuốc đặc trị cụ thể cho viêm não Nhật Bản. Phòng bệnh bằng vacxin rất hiệu quả và là chiến lược kiểm soát tốt nhất.

Xem thêm: Sai lầm nghiêm trọng khi anti-vacxin

3. Các loại vacxin viêm não Nhật Bản

Có khoảng 4 nhóm vacxin viêm não Nhật Bản trên toàn thế giới, bao gồm:

  • Vacxin não chuột bất hoạt 
  • Vacxin bất hoạt có nguồn gốc từ tế bào Vero
  • Vacxin sống giảm độc lực 
  • Vacxin sống tái tổ hợp (chimeric), có nguồn gốc từ chủng vi rút sốt vàng
vacxin-viem-nao-nhat-ban-va-tat-ca-nhung-dieu-can-biet-voh-2
Vacxin là cách hiệu quả nhất để phòng viêm não Nhật Bản (Nguồn: Internet)

Có 15 loại vacxin viêm não Nhật Bản, trong số đó, có 2 loại chính được sử dụng phổ biến tại Việt Nam là Jevax 1ml và Imojev 0.5ml. 

3.1 Vắc xin Jevax 1ml 

Được nghiên cứu và phát triển bởi trường Đại học Osaka (Nhật Bản). Phác đồ tiêm 3 mũi cơ bản: 

  • Mũi 1 tiêm thời điểm bất kỳ cho đối tượng ≥ 12 tháng tuổi.
  • Mũi 2 cách mũi 1 từ 1 - 2 tuần.
  • Mũi 3 sau mũi thứ 2 khoảng 1 năm.
  • Mũi nhắc: Có thể 3 năm tiêm nhắc lại 1 lần để duy trì khả năng miễn dịch cho đến hết 15 tuổi.

3.2 Vắc xin Imojev 0.5ml

Được phát triển bởi công ty Sanofi Pasteur (Pháp). Trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 18 tuổi (chưa tiêm vắc xin Jevax lần nào):

  • Mũi 1: là mũi tiêm đầu tiên.
  • Mũi 2: cách 1 năm sau mũi đầu tiên.
  • Người tròn 18 tuổi trở lên: tiêm 1 mũi duy nhất. 

Trường hợp trẻ đã tiêm vắc xin Jevax trước đó, muốn chuyển đổi sang tiêm Imojev

  • Nếu đã tiêm 1 mũi Jevax: Tiêm 2 mũi Imojev, trong đó mũi Imojev đầu tiên cách mũi Jevax đã tiêm tối thiểu 2 tuần.
  • Nếu đã tiêm 2 mũi Jevax: Tiêm 1 mũi Imojev cách mũi cuối Jevax tối thiểu 1 năm.
  • Nếu đã tiêm 3 mũi Jevax: Tiêm 1 mũi Imojev cách mũi cuối Jevax tối thiểu 3 năm.
  • Không tiêm nhắc Jevax sau khi tiêm Imojev.

Xem thêm: Bác sĩ BV Nhi Đồng TPHCM chia sẻ lịch tiêm phòng mới nhất cho trẻ em

4. Chỉ định và chống chỉ định của vacxin viêm não Nhật Bản

4.1 Chỉ định

Mọi người nên tiêm vacxin viêm não Nhật Bản nếu đang sống hoặc đi du lịch đến một khu vực châu Á hoặc Tây Thái Bình Dương và:

  • Dự định sống 1 tháng trở lên ở nơi thường có viêm não Nhật Bản.
  • Sẽ đi du lịch trong khu vực đang có dịch viêm não Nhật Bản.
  • Có thể sẽ phải sống ở ngoài trời hoặc ở các vùng nông thôn hoặc một nơi không có màn chống muỗi.

Những đối tượng trên cần tiêm 2 liều vacxin viêm não Nhật Bản cách nhau 1 tháng, liều thứ 2 được tiêm ít nhất 1 tuần trước chuyến đi. Nếu định ở lại hoặc quay trở lại Châu Á, thì cần tiêm liều nhắc lại một lần sau 1 năm.

vacxin-viem-nao-nhat-ban-va-tat-ca-nhung-dieu-can-biet-voh-3
Viêm não Nhật Bản xuất hiện nhiều ở vùng nông thôn (Nguồn: Internet)

Vacxin viêm não Nhật Bản không được khuyến cáo cho những du khách du lịch ngắn hạn, trong các khu vực thành thị hoặc du lịch ngoài mùa lây truyền virus viêm não Nhật Bản.

4.2 Chống chỉ định

Một số người không nên tiêm phòng viêm não Nhật Bản, bao gồm:

  • Trẻ sơ sinh dưới 2 tháng.
  • Những người đã có phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng với vacxin viêm não Nhật Bản hoặc bất kỳ thành phần nào trong vacxin.

Những trường hợp nên cân nhắc, hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng viêm não Nhật Bản:

  • Bị dị ứng nghiêm trọng dưới bất kỳ hình thức nào.
  • Phụ nữ có thai hoặc cho con bú
  • Đang bị sốt

5. Các tác dụng phụ của vacxin viêm não Nhật Bản

Các tác dụng phụ thường nhẹ và hết sau vài ngày. Chúng có thể bao gồm:

  • Đau, sưng hoặc đỏ ở nơi tiêm
  • Nhức đầu và đau cơ (chủ yếu ở người lớn)
  • Sốt nhẹ (chủ yếu ở trẻ em)

Các tác dụng phụ nghiêm trọng do vacxin viêm não Nhật Bản là rất hiếm.

6. Các biện pháp phòng ngừa khác

Tránh tiếp xúc với muỗi, đặc biệt là vào ban đêm, là một phương pháp phòng ngừa tốt khác ngoài việc tiêm vacxin. 

  • Những người sống hoặc đi du lịch đến các khu vực lưu hành bệnh cần có màn chống muỗi lúc ngủ.
  • Sử dụng màn chống muỗi được tẩm thuốc diệt côn trùng.
  • Sử dụng chất chống côn trùng có diethyltoluamide (DEET) hoặc dầu khuynh diệp nếu bạn bị dị ứng với DEET.
  • Mặc áo sơ mi dài tay và quần dài, đi tất ở các khu vực lưu hành bệnh.

Khi sử dụng thuốc chống côn trùng, hãy đảm bảo:

  • Không sử dụng trên vết thương hở hoặc vùng da bị kích ứng.
  • Không để dính lên mắt, miệng và tai.
  • Không xịt trực tiếp lên mặt, hãy xịt lên tay rồi thoa lên mặt.
  • Không cho trẻ nhỏ tự bôi mà phải có người lớn bôi cho trẻ.
  • Bôi chất chống côn trùng sau chứ không phải trước khi thoa kem chống nắng.
  • Rửa tay kỹ sau khi sử dụng và rửa sạch bằng xà phòng và nước khi không còn cần thiết.
  • Nếu có phản ứng với thuốc chống côn trùng, chẳng hạn như mẩn đỏ, hãy ngừng sử dụng, rửa sạch nó và liên hệ với bác sĩ.

Nên chủ động tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch tất cả các loại vacxin trong đó có vacin viêm não Nhật Bản, vì vacxin chính là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Chỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao mới giúp bảo vệ được cá nhân và cộng đồng trước các dịch bệnh nguy hiểm trong đó có viêm não Nhật Bản.