Sáng nay (13/10), tại hội nghị tiếp xúc cử tri TP. Cần Thơ trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hiện nay, các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng, tăng khoảng 20,8% so với mức hiện nay là 1,49 triệu đồng; thời gian dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Đồng thời, nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.
Thủ tướng cho biết việc thực hiện cải cách tiền lương được thực hiện theo Nghị quyết 27 của Trung ương, nhưng do tác động của nhiều yếu tố, nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chưa thực hiện được. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta đã điều chỉnh tiền lương cho người lao động và nâng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng chính sách.
Hiện, các cơ quan đang đề xuất phưng án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng (hiện nay là 1,49 triệu đồng, tăng khoảng 20,8%), thời gian dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Đồng thời, nâng mức phụ cấp với một số ngành nghề, lĩnh vực cho phù hợp.
Liên quan đến xăng dầu, Thủ tướng đánh giá nguồn cung xăng dầu là vấn đề gây bức xúc cho người dân ở một số nơi, cần nhanh chóng khắc phục. Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã vào cuộc xử lý, làm việc với các doanh nghiệp. Theo báo cáo, tại các địa phương như TPHCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk…, đến nay tình hình cơ bản đã được giải quyết.
Theo Thủ tướng, tình hình trên có nguyên nhân khách quan như đứt gãy cung ứng, giá xăng dầu thế giới lên xuống nhanh, khó dự báo, có doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu với giá cao nhưng sau đó giá xuống thấp nên có thể thua lỗ, điều này cần được chia sẻ. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Thủ tướng lấy ví dụ, chúng ta đã có các cơ chế, chính sách như quỹ bình ổn giá nhưng việc áp dụng, phối hợp giữa các cơ quan phải kịp thời, hiệu quả hơn. Thực tế vừa qua, một số cơ quan phối hợp chưa kịp thời, hiệu quả, cần kiểm điểm lại.
Thủ tướng cho biết đã yêu cầu các cơ quan rà soát thật kỹ cơ chế, chính sách, quy định để sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình, trong đó, nghiên cứu rút ngắn chu kỳ điều chỉnh giá, điều chỉnh các quy định liên quan chi phí cấu thành giá xăng dầu…; công tác điều hành, phản ứng chính sách cần linh hoạt hơn, nhanh hơn, các bộ ngành phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn.
Một số doanh nghiệp thực hiện không đúng quy định thì phải xử lý. Việc thông quan, lưu thông hàng hóa cần khẩn trương, thông suốt, hiệu quả. Các cơ quan hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện các doanh nghiệp xăng dầu hoạt động đúng pháp luật. Thông tin khách quan, phù hợp, chính xác, không làm người dân hoang mang, lo lắng.