Qua mỗi câu chuyện, người nghe càng cảm mến hơn về một vị lãnh đạo tài năng, mẫu mực, có tâm, có tầm nhưng hết sức gần gũi, đáng kính.
“Dấu phẩy” là bài viết của Nhà báo Lê Công Đồng cho thấy sự tâm huyết của cố Thủ tướng Phan Văn Khải trong công việc.
Cố Thủ tướng Phan Văn Khải (Ảnh: TTO)
Là thế hệ hậu sinh, tôi không có hạnh phúc được gặp gỡ chú, nhưng nghe nói về chú, biết về chú thì khá nhiều. Hầu hết đó là những câu chuyện, những thông tin về một con Người mẫu mực về đạo đức, phong cách, nhân hậu trong cuộc sống và là một nhà lãnh đạo mực thước, có tâm, có tầm, có đóng góp hết sức to lớn trong công cuộc đổi mới để góp phần vào những thành tựu mà dân tộc chúng ta có được ngày hôm nay. Trong những ngày tràn ngập sự tiếc thương này, nhớ về chú, tôi viết mấy mẫu chuyện như là những nén tâm nhang kính dâng lên chú, với tất cả tấm lòng kính trọng của bản thân.
Tôi nhớ năm 1986, năm đầu thực hiện đổi mới, có một việc cả nước quan tâm đó là đợt đổi tiền lần thứ 3, sau khi có nghị quyết về giá lương tiền (Nghị quyết Trung ương 5 khóa VI), lúc này tôi còn đang học trên Trường Tuyên huấn Trung ương 2 ở Thủ Đức. Hôm đó là ngày thứ Bảy, từ trường về, tôi nghe dư luận bàn tán xôn xao về chuyện đổi tiền, mọi người băn khoăn, bán tín, bán nghi. Cán bộ, đảng viên lúc này vừa nắm tình hình dư luận để phản ánh lên trên, vừa tuyên truyền vận động nhân dân không nghe theo tin đồn, nhưng hình như dư luận càng lúc càng nóng lên. Tối đó, trên đài truyền hình, với tư cách Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố, chú Sáu phát biểu, trấn an dư luận. Rồi sau đó Thống đốc Ngân hàng Trung ương phát biểu tuyên bố những thông tin về đổi tiền, dư luận có vẻ êm về 2 phát biểu của các chú. Sáng hôm sau, khi Chính phủ tuyên bố đổi tiền, dư luận lại xôn xao nhưng rồi mọi việc cũng nhẹ nhàng trôi qua. Sau này ngồi suy nghĩ tôi càng thấm thía, cảm phục chú. “Người chiến sĩ vâng mệnh quốc dân ra trước trận tiền”, chú Sáu là một trong những người chiến sĩ như thế đó, trước một sứ mệnh chính trị, hoàn thành nhiệm vụ với kết quả tốt nhất, chú đã dũng cảm làm việc đó, để việc đổi tiền đạt kết quả tốt nhất có thể.
Sau này khi làm cán bộ Tuyên giáo, tôi được nghe chú báo cáo một nghị quyết về kinh tế. Đó là Nghị quyết số 07 của Hội nghị lần thứ 7 BCHTƯ Đảng (khoá VII) diễn ra vào năm 1994 về phát triển công nghiệp, công nghệ đến năm 2000 theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xây dựng giai cấp công nhân trong giai đoạn mới. Là một lãnh đạo được đào tạo bài bản, chính quy về kinh tế, lại tắm mình trong thực tiễn kinh tế sôi động ở thành phố Hồ Chí Minh từ những ngày đầu đổi mới, nên chú trình bày nội dung nghị quyết rất khúc chiết, mạch lạc và đầy sức thuyết phục. Hơn 20 năm rồi, có một số chi tiết trong lúc học hôm ấy mà đến nay nội dung tôi vẫn nhớ như in là phần mở đầu của nghị quyết. Chú nói về nội dung cốt lõi của nghị quyết. Đó là công nghiệp hóa,(phẩy) hiện đại hóa; hay công nghiệp hóa -(gạch ngang) hiện đại hóa hay công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Chú nói Trung ương bàn và cân nhắc rất kỹ lưỡng, nói công nghiệp hóa và hiện đại hóa, có nghĩa là công nghiệp hóa trước, sau đó mới hiện đại hóa, công nghiệp hóa tạo tiền đề cho hiện đại hóa và như thế phải lần lượt và không phát huy được vai trò hiện đại hóa. Còn công nghiệp hóa - (gạch ngang) hiện đại hóa thì 2 quá trình này song song, cái nào trước, cái nào sau cũng được, không xác định được trọng tâm. Và trung ương chọn công nghiệp hóa,(phẩy) hiện đại hóa. Có nghĩa là công nghiệp hóa và hiện đại hóa đều có vai trò quan trọng, cái nào trước cái nào sau cũng được, công nghiệp hóa tạo tiền đề cho hiện đại hóa, hiện đại hóa để đẩy mạnh tăng trưởng công nghiệp hóa, trong công nghiệp hóa có hiện đại hóa và trong hiện đại hóa, (đi tắt, đón đầu) để thúc đẩy công nghiệp hóa… đó là lý do mà trung ương quyết đặt tên nghị quyết này là Nghị quyết về công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thú thật lúc ấy tôi rất hứng thú và tâm đắc với cách trình bày của chú, với Trung ương, thật sự đây là trí tuệ, từ ngữ của nghị quyết luôn chứa đựng giá trị hết sức sâu sắc cho đến từng dấu phẩy. Và tâm đắc với chú Sáu vì phải tâm huyết, am hiểu và trăn trở lắm mới quan tâm và trình bày được như chú. Cho đến nay dù có nói đến cách mạng công nghiệp 4.0 đi nữa, có lẽ cũng không thoát ra ngoài nội hàm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một người lãnh đạo tâm huyết cho sự nghiệp cách mạng của Đảng là như thế.
Đôi dòng cảm xúc khi nhớ về chú hôm nay. Chúc Chú an vui trong thế giới Người hiền, chúng cháu sẽ tiếp bước con đường mà chú đã đi.