Đầu tư phát triển văn hóa cần tính khả thi, tránh lãng phí

VOH - Ngày 8/10, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu đã thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035.

Mục tiêu của chương trình là tạo nền tảng văn hóa vững mạnh, tuy nhiên nhiều ý kiến nhấn mạnh cần xem xét tính khả thi trong việc huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư.

Báo cáo tại phiên họp, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết tổng kinh phí dự kiến cho giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng.

Trong đó, ngân sách Trung ương đóng góp 77.000 tỷ đồng (63%), bao gồm vốn đầu tư phát triển 50.000 tỷ và vốn sự nghiệp 27.000 tỷ. Ngân sách địa phương đóng góp 30.250 tỷ đồng (24,6%), cùng với 15.000 tỷ đồng từ các nguồn hợp pháp khác.

Bà Thủy cũng chia sẻ rằng trong giai đoạn 2031-2035, chương trình sẽ tiếp tục yêu cầu nguồn vốn lên tới 134.000 tỷ đồng.

TRan Thann Man 2024
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Trong giai đoạn đầu (2025), chương trình sẽ tập trung xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống văn bản và nâng cao năng lực quản lý. Giai đoạn 2026-2030 sẽ giải quyết các thách thức còn tồn đọng, tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, làm động lực phát triển đất nước.

Tuy nhiên, về mức đầu tư khổng lồ của chương trình, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại về tính khả thi và khả năng giải ngân.

Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhấn mạnh việc cần nghiên cứu kỹ lưỡng quy mô, cơ cấu và khả năng huy động nguồn lực để đảm bảo chương trình khả thi, tránh lãng phí. Ông cũng đề nghị tập trung ưu tiên nguồn vốn cho các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, bày tỏ quan ngại về khả năng giải ngân, cho rằng nhiều chương trình đầu tư văn hóa trước đây đã gặp khó khăn trong việc sử dụng nguồn vốn. Ông nhấn mạnh, với tổng mức đầu tư lớn, việc không giải ngân hiệu quả sẽ gây lãng phí và không đạt mục tiêu đề ra.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đưa ra những ý kiến chỉ đạo cụ thể, nhấn mạnh việc đầu tư phải đảm bảo tính khả thi. Ông Mẫn cho rằng đất nước còn nghèo, vì vậy cần có sự tính toán hợp lý để đạt hiệu quả cao nhất trong các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ông cũng kêu gọi Chính phủ cần đổi mới tư duy trong cách chỉ đạo và điều hành, nhằm đảm bảo sử dụng nguồn lực hợp lý và hiệu quả.

 

Bình luận