Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay phiên họp rất quan trọng để rà soát các công việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8 của Quốc hội. Dự kiến phiên họp diễn ra trong 5 ngày, xem xét 21 nội dung.
Về công tác lập pháp, theo ông Mẫn là nhiệm vụ trọng tâm, với thời lượng lớn tại phiên họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8.
Chủ tịch Quốc hội nói thông thường tại phiên họp sát kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ xem xét nội dung về kinh tế, ngân sách nhà nước và một số ít nội dung cấp bách.
Nhưng khối lượng công tác lập pháp, Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 8 rất lớn, do vậy đến phiên họp tháng 10 vẫn còn khá nhiều dự án luật, dự thảo nghị quyết Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Cũng theo ông Mẫn, có 5 dự án luật xin ý kiến gồm Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Dữ liệu. Dự kiến cho ý kiến lần thứ 2 với dự án Luật Nhà giáo.
Có 2 dự án luật, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp. Đây là các dự luật hết sức quan trọng và Chính phủ trình xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp.
Gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia.
Cùng với đó, nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án hình sự, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, công tác dân nguyện trình Quốc hội.
Đây là báo cáo quan trọng trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc nên Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tham gia ý kiến kỹ lưỡng, cụ thể, làm cơ sở các cơ quan tiếp thu hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội.
Làm sao ngắn gọn, thực chất, sát thực tiễn, đánh giá được tổng thể tình hình kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách của đất nước trong 1 năm qua cũng như thể hiện đầy đủ, trung thực, khách quan ý chí, nguyện vọng của cử tri, nhân dân.
Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, xem xét công tác nhân sự.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến lần cuối về việc chuẩn bị tổ chức kỳ họp thứ 8, xem xét, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài và một số nội dung quan trọng khác.
Ông đề nghị các thành viên Thường vụ Quốc hội xem xét thảo luận, góp ý kiến sâu sắc, thể hiện quan điểm rõ ràng xem các nội dung có đủ điều kiện trình Quốc hội hay không.
Theo Chủ tịch Quốc hội, vừa qua Thủ tướng đã phát động chương trình xóa nhà tạm, dột nát trên cả nước từ nay đến năm 2025 và đã có đăng ký hơn 5.000 tỷ đồng để ủng hộ.
Ông đề nghị cần "làm sao tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, ách tắc hiện nay trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng, hệ thống chính trị cho tốt".