Chờ...

ĐBQH đề nghị tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm và nước mặt

VOH - Chiều 28/8, Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 4 tiếp tục xem xét, cho ý kiến về ‘’dự án Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự” cùng “dự án Luật Tài nguyên nước”.

Đóng góp ý kiến về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội đồng thuận với cơ quan thẩm tra về dự án Luật.

Cho ý kiến về Điều 22, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, cần bảo vệ nguồn nước ngầm để bảo vệ an ninh nguồn nước. Ngoài ra, việc bảo vệ, chống cạn kiệt nguồn nước mặt cũng cần được quan tâm hơn. 

ĐBQH đề nghị tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm và nước mặt 1
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội  - Ảnh: Quochoi.vn

Mặt khác, cũng cần chú ý đến công tác bảo vệ an toàn hồ đập, tăng khả năng chịu tải của hồ đập nhằm đảm bảo an toàn cho nhân dân ở vùng lũ…

Góp ý quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh đề nghị xem xét bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong bảo vệ lợi ích của tổ chức, cá nhân trong trường hợp không vi phạm các điều cấm được nêu trong dự thảo luật.

ĐBQH đề nghị tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm và nước mặt 2
Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh - Ảnh: Quochoi.vn

Trước đó, báo cáo một số vấn đề lớn trong việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, tại Phiên họp lần thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và giao Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa dự thảo Luật.

Theo đó, về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho rằng Luật Tài nguyên nước sửa đổi theo 04 nhóm chính sách lớn, đảm bảo quản lý toàn diện về nước từ bảo vệ, phát triển, điều hòa, phân phối, đến khai thác, sử dụng và  phòng chống tác hại do nước gây ra.

Để tránh chồng chéo, kế thừa Luật Tài nguyên nước hiện hành, dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề chung nhất về khai thác, sử dụng nước ở giác độ bảo đảm nguồn nước. Còn việc khai thác, sử dụng nước trong từng lĩnh vực, phạm vi cụ thể sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Về bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước, có ý kiến đề nghị bên cạnh quản lý tiền kiểm qua công cụ cấp phép, cần tăng cường hậu kiểm bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để phù hợp với đối tượng quản lý “động và mềm”; bổ sung một điều quy định mang tính nguyên tắc về bảo vệ nguồn nước mặt.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã bổ sung quy định nội dung quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Đồng thời, bổ sung riêng một Điều 22 quy định về bảo vệ nguồn nước mặt.