Chờ...

ĐBQH: Không nên chuyển hộ kinh doanh sang nhóm đóng BHXH bắt buộc

VOH - ĐBQH đề nghị xem xét việc chủ hộ kinh doanh vừa là chủ vừa là người lao động và không hưởng lương, sẽ không có căn cứ xác định trách nhiệm và mức lương tham gia BHXH bắt buộc.

Đại biểu Trần Thị Kim Yến - Đoàn ĐBQH TPHCM quan tâm đến dự thảo luật bổ sung chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc diện phải đăng ký kinh doanh. Đại biểu cho rằng, bản chất nhóm đối tượng này khác với người lao động làm công ăn lương.

Đây là nhóm đối tượng hoàn toàn có thể tự chủ về thu nhập thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh và chủ động trong việc tìm kiếm các giải pháp về tài chính để đảm bảo cho cuộc sống gia đình.

Theo đại biểu, không nên chuyển nhóm đối tượng này sang bảo hiểm xã hội bắt buộc mà vẫn giữ nhóm đối tượng này thuộc đối tượng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

DBQH-KIM-YEN
Đại biểu Trần Thị Kim Yến - Đoàn ĐBQH TPHCM - Ảnh: Quốc hội

Đại biểu cũng đề xuất bổ sung quyền khởi kiện của cơ quan bảo hiểm xã hội, bởi trên thực tế trong thời gian qua khi tổ chức Công đoàn thực hiện nhiệm vụ khởi kiện người sử dụng lao động vi phạm về pháp luật bảo hiểm xã hội, việc tiếp cận thu thập chứng cứ, tiếp cận tài liệu dữ liệu liên quan đến bảo hiểm xã hội rất khó khăn.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh bày tỏ cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 đã tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội.

Về vấn đề cụ thể, dự thảo Luật đã mở rộng thêm một số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng lương,...

Quan nghiên cứu, đại biểu cho biết, quy định như trong dự thảo Luật thì chủ hộ kinh doanh và người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng lương sẽ phải gánh hai vai, vừa là người lao động, vừa là người sử dụng lao động và phải đóng tổng mức 25%.

Đại biểu nêu rõ, tác động tích cực là khi mở rộng các đối tượng trên sẽ gia tăng người tham gia đóng bảo hiểm xã hội, tăng quỹ bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đối với lợi ích của các đối tượng chịu tác động, báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ chỉ đưa ra nhận định rất định tính, không có số liệu chứng minh nhóm đối tượng này có nhu cầu tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động bởi dự thảo Luật, đảm bảo công bằng giữa những đối tượng này với các đối tượng đóng bảo hiểm xã hội khác, không vì mục tiêu gia tăng số người nộp bảo hiểm xã hội mà bỏ qua nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng.

Cùng với đó, cần nghiên cứu, cân nhắc thêm các đối tượng trên nên tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay tự nguyện.