Chờ...

Tiếp tục trình Quốc hội hai phương án nhận bảo hiểm xã hội một lần

VOH - Ngày 27/5, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh thông tin về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục trình hai phương án.

Phương án 1: Người lao động được chia làm hai nhóm:

Nhóm 1: Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm.

Nhóm 2: Người lao động bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Phương án 2: Người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

270520240825-z5479449970449_a36af9ad1824e19a747f90fa74f2f7dc
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh - Ảnh: Quốc hội 

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành ohương án 1 của Chính phủ đề xuất và cũng là ý kiến của đa số người lao động tại một số địa phương được cơ quan chủ trì thẩm tra lấy ý kiến.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ sớm có đề án hỗ trợ và ban hành quy định phù hợp, đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để người lao động hiểu được lợi ích của việc hưởng lương hưu hằng tháng thay vì lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, đây là vấn đề khó, còn nhiều ý kiến khác nhau và liên quan trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động trong thời điểm hiện tại và khi hết tuổi lao động. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận, cho ý kiến thêm về vấn đề này cũng như các phương án cụ thể để tạo sự đồng thuận khi trình Quốc hội thông qua”.

Điểm hạn chế của phương án một là vẫn có sự mất bình đẳng giữa người lao động tham gia trước và sau khi Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi) có hiệu lực. Nhiều người hoàn cảnh khó khăn cần rút một lần để giải quyết trước mắt.

Thời gian chờ hưởng lương hưu dài (20-40 năm), trong khi nhiều lao động phổ thông bị các doanh nghiệp sa thải, khó tham gia thị trường lao động chính thức.

Thống kê giai đoạn 2016-2022 gần 4,85 triệu người rời bỏ hệ thống an sinh. Trong số này, 1,3 triệu người quay trở lại, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; gần 3,55 triệu người chưa quay trở lại; 907.000 lao động từng rút hai lượt; hơn 61.000 người rút ba lượt. Khoảng 99% lao động rút một lần sau một năm ngừng đóng và phần lớn làm việc trong doanh nghiệp.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2023, dự kiến thông qua vào ngày 25/6 và có hiệu lực từ 1/7/2025.