Góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng dự thảo quy định tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh chỉ trừ cá nhân hoạt động thương mại không phải đăng ký kinh doanh đều phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng.
Đại biểu đề nghị cân nhắc quy định tất cả các loại hình doanh nghiệp, tất cả các tổ chức kinh tế, các cá nhân hoạt động thương mại có đăng ký kinh doanh đều phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng.
Đối với việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn tại Tòa án, một trong những điều kiện để được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi giá trị giao dịch phải dưới 100 triệu đồng, tức là từ 101.000.000 trở lên thì sẽ không được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án là không phù hợp với thực tế và chưa đồng bộ trong cách tiếp cận của luật.
Theo đại biểu Thủy, trong lĩnh vực tư pháp, tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp lớn hay nhỏ mà phụ thuộc vào tình tiết chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không.
Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cũng đề nghị bỏ điều kiện khống chế để có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định đối với các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên.
Theo đại biểu Lê Xuân Thân, trong Bộ luật Tố tụng Dân sự không quy định điều kiện hạn chế áp dụng thủ tục rút gọn như đối với các giao dịch trên hay dưới 100 triệu đồng. Đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị bỏ điều kiện khống chế này trong dự thảo Luật.