ĐBQH: Xây dựng nền quốc phòng vững mạnh thì cơ sở pháp luật phải rõ ràng, khoa học

VOH - Thảo luận về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp chiều 28/11, ĐBQH thống nhất cần thiết ban hành Luật để đảm bảo tự chủ, tự lực, tự cường của quốc phòng Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội thống nhất với sự cần thiết xây dựng luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí kỳ vọng sau khi được thông qua sẽ thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng, an ninh Việt Nam phát triển, đảm bảo cho tự cường, tự lực, tự chủ, chuẩn bị vũ khí trang thiết bị cho quốc phòng và an ninh.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng an ninh vận động viên công nghiệp có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cơ sở thực tiễn như trình bày trong hồ sơ dự thảo luật.

ĐBQH: Xây dựng nền quốc phòng vững mạnh thì cơ sở pháp luật phải rõ ràng, khoa học 1
Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội 

Về mục đích, Luật nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp trong trước mắt và lâu dài.

Luật cũng nhằm phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp trong đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân. 

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đặc biệt đồng tình với mục đích huy động các thành phần kinh tế doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này nhằm làm cho nền công nghiệp quốc phòng được mạnh hơn, bền vững hơn và mục đích này đã được cụ thể hóa bởi một số điều luật, đặc biệt là điều 35 rất cụ thể, chặt chẽ.

Đại biểu cũng cho rằng quá trình xây dựng luật dự án luật công nghiệp quốc phòng an ninh và động viên công nghiệp cho thấy ban soạn thảo đã tiến hành công việc rất nghiêm túc, khoa học và trách nhiệm.

ĐBQH: Xây dựng nền quốc phòng vững mạnh thì cơ sở pháp luật phải rõ ràng, khoa học 2
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên bày tỏ nhất trí với sự cần thiết xây dựng dự án luật nhằm đáp ứng với tình hình mới trong bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi.

Về cách tiếp cận trong xử lý một số vấn đề kỹ thuật trong dự thảo luật, cụ thể, về mối quan hệ giữa công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh, đại biểu cho biết, có quy định tránh đầu tư trùng lặp những gì mà công nghiệp quốc phòng làm được, thì công nghiệp an ninh không đầu tư.

Theo đại biểu Thành, nguyên tắc này đúng về chủ trương, nhưng khó thực hiện trên thực tế, bởi liên quan đến việc xác định nhiệm vụ cụ thể trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh.

Đại biểu cho biết, quy định về vị trí, nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh, động viên công nghiệp mới chỉ quy định chung, chưa chỉ rõ phạm vi.

Đại biểu cho rằng, cần tách khái niệm công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh để quy định ở hai khoản thay vì quy định chung trong một khoản.

Đại biểu đề nghị cần có sự phân loại tương đối giữa các hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh quan trọng, mang tính chủ đạo với hoạt động công nghiệp mang tính thông thường, lưỡng dụng, gắn với phát triển kinh tế xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đề nghị bổ sung chính sách đặc thù, đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước cho công nghiệp quốc phòng, an ninh; đầu tư nâng cao chất lượng các trường đại học, học viện, các viện, các trung tâm nghiên cứu ứng dụng về khoa học công nghệ quốc phòng, an ninh.

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã giải trình một số vấn đề đại biểu nêu đồng thời cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu để rà soát, hoàn thiện dự thảo luật.

Bình luận