Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 16, sáng 11/10, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đề xuất giải pháp với các vấn đề: không đạt chỉ tiêu về tăng năng suất lao động xã hội; Đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn; Tình hình kết nối doanh nghiệp trong nước với đầu tư nước ngoài; Vấn đề cải thiện chất lượng các dự án FDI, thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, chuyển giao công nghệ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ có giải pháp với tình trạng lừa đảo, môi giới lao động bất hợp pháp ra nước ngoài; Tình trạng giá xăng giảm mạnh nhưng giá các mặt hàng thiết yếu chưa giảm như dự kiến; Công tác rà soát, kiểm tra đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy; Cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển sang khu vực tư nhân; Tình trạng sử dụng, mua bán chất ma túy.
Hướng tới năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ cần bám sát tình hình thực tế, chú trọng công tác dự báo, sẵn sàng cho những biến động kinh tế, chính trị, thiên nhiên để có khả năng phản ứng kịp thời, đưa ra các giải pháp phù hợp cho các vấn đề phát sinh.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cần tập trung giải quyết các vấn đề nan giải, cấp thiết như giải quyết tình trạng thiếu trang thiết bị vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh; Nâng cao chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; Nâng cao hiệu quả quản lý biển số xe; Quản lý chặt chẽ khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên; Tập trung nguồn lực giải quyết hậu quả thiên tai, bão lũ, hỗ trợ các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn… qua đó, đảm bảo đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Kết luận nội dung thảo luận sáng 11/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ qua thảo luận Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; ghi nhận năm 2022 vượt qua khó khăn, thách thức kinh tế - xã hội Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Theo đó, GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83% dự kiến cả năm khoảng 8% đạt cận dưới về kỳ vọng tăng trưởng khi có gói chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ chương trình mục tiêu và chương trình phục hồi phát triển kinh tế -xã được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng; 14/15 chỉ tiêu đạt vượt kế hoạch; phục hồi kinh tế diễn ra đồng đều giữa các địa phương; các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ước cả năm; thu ngân sách nhà nước vượt cao so với dự toán… |