Chờ...

Đề xuất 3 phương án tăng mức đóng BHYT: Bảo đảm quyền lợi và khả năng chi trả

VOH - Bộ Y tế đang tập trung lấy ý kiến của các cơ quan liên quan về dự thảo Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sửa đổi, trong đó đề xuất 3 phương án tăng mức đóng BHYT.

Những thay đổi này không chỉ nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân trong chăm sóc sức khỏe mà còn phải đồng bộ với sự phát triển xã hội và khả năng chi trả của quỹ BHYT.

Đề xuất 3 phương án tăng mức đóng BHYT: Bảo đảm quyền lợi và khả năng chi trả 1
Người dân xếp hàng đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cở sở 2 - Ảnh K.H

Phương án 1: Lộ trình tăng từ 2025 đến 2035

Phương án này giữ nguyên mức đóng tối đa 6% như hiện tại, nhưng đưa lộ trình tăng mức đóng vào luật sửa đổi. Từ ngày 1/1/2025, tiền đóng tăng lên bằng 5,1% lương tháng, và từ ngày 1/1/2035, mức đóng tăng lên 6% lương tháng của người lao động. Điều này nhằm đảm bảo tính ổn định và dựa trên khả năng chi trả của quỹ BHYT.

Phương án 2: Lộ trình tăng cao hơn

Phương án này giữ nguyên mức đóng tối đa 6%, nhưng với lộ trình tăng tỉ lệ cao hơn. Từ ngày 1/1/2025, mức đóng tăng lên 5,4% lương tháng, và từ ngày 1/1/2035, mức đóng tăng lên 6%. Tuy nhiên, lộ trình này có thể làm tăng chi phí cho ngân sách nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và hộ gia đình.

Phương án 3: Giữ nguyên và giao cho Chính Phủ quy định khi cần thiết

Phương án này giữ nguyên mức đóng tối đa 6%, nhưng không đưa ra lộ trình tăng cụ thể, giao Chính phủ quy định khi cần thiết. Mặc dù không làm tăng chi phí của xã hội, nhưng rất khó để Chính phủ đưa ra quyết định thời điểm tăng do luật không quy định. Điều này đặt ra thách thức đối với các cơ sở y tế, có thể phải đối mặt với gánh nặng chi phí khi người tham gia BHYT tăng mà không có lộ trình cụ thể.

Hiện nay, mức đóng BHYT theo Luật BHYT năm 2008 quy định tối đa là 6%, nhưng thực tế áp dụng theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ chỉ 4,5% tiền lương tháng. Trong khu vực doanh nghiệp, người lao động đóng bảo hiểm y tế bằng 1,5% lương tháng, người sử dụng lao động đóng 3%; bảo hiểm y tế hộ gia đình, học sinh, sinh viên… bằng 4,5% lương cơ sở (riêng bảo hiểm y tế hộ gia đình tính đóng giảm dần cho những người tham gia tiếp theo).

Sự điều chỉnh này nhằm bảo đảm quyền lợi và khả năng chi trả của quỹ BHYT, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ BHYT. Cùng với đó, việc tăng mức đóng BHYT cũng có thể giúp cân đối nguồn thu nhập và chi phí, tạo ra một hệ thống bảo hiểm y tế bền vững trong thời gian dài.