Đề xuất phạt từ 4-6 triệu đồng với hành vi cầm cố căn cước công dân

VOH - Đây là một trong những nội dung trong dự thảo Nghị định đang được Bộ Công an lấy ý kiến.

Bộ Công an đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 144 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.

Một trong những nội dung nổi bật của Dự thảo là đề xuất sửa đổi quy định mức phạt vi phạm về cấp, quản lý, sử dụng căn cước công dân, căn cước hoặc căn cước điện tử.

can-cuoc-cong-dan-040724
Dự thảo đề xuất phạt từ 4-6 triệu đồng với hành vi cầm cố căn cước công dân - Ảnh: LĐ

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng 

Bộ Công an đề xuất phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng với một trong những hành vi:

  • Không xuất trình căn cước công dân, căn cước hoặc căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại khi có yêu cầu kiểm tra của người có thẩm quyền.
  • Không nộp lại căn cước công dân, căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước cho cơ quan thi hành lệnh tạm giữ, tạm giam, cơ quan thi hành án phạt tù, cơ quan thi hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc…

Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng 

Bộ Công an đề xuất phạt tiền từ 1-2 triệu đồng với một trong những hành vi:

  • Chiếm đoạt, sử dụng căn cước công dân, căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại;
  • Tẩy xóa, sửa chữa hoặc có hành vi khác làm sai lệch nội dung của căn cước công dân, căn cước, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại. Hủy hoại, cố ý làm hư hỏng căn cước công dân, căn cước…

Phạt tiền từ 2-4 triệu đồng 

Phạt tiền từ 2-4 triệu đồng đối với một trong những hành vi:

  • Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả để được cấp căn cước công dân, căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước…
  • Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để được cấp căn cước công dân, căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước…

Phạt tiền từ 4-6 triệu đồng 

Dự thảo đề xuất phạt tiền từ 4-6 triệu đồng với hành vi:

  • Làm giả căn cước công dân, căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước, giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
  • Sử dụng căn cước công dân giả, căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả, giấy xác nhận thông tin số chứng minh nhân dân 9 số với số định danh cá nhân, giấy xác nhận số định danh cá nhân đã hủy với số định danh cá nhân đã xác lập lại giả.
  • Thế chấp, cầm cố, nhận cầm cố căn cước công dân, căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước.
  • Mua, bán, thuê, cho thuê căn cước công dân, căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước. Mượn, cho mượn căn cước công dân, căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.

Theo dự thảo, mức phạt tiền trên áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bị phạt gấp 2 lần mức phạt tiền với cá nhân.

Bình luận