Chờ...

Đề xuất quy định phải thực hiện can thiệp y học để được công nhận đã chuyển đổi giới tính

VOH - Sáng 12/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Chuyển đổi giới tính, do đại biểu Nguyễn Anh Trí đệ trình. Đây là sáng kiến pháp luật hiếm hoi do một đại biểu Quốc hội thực hiện.

Đối tượng điều chỉnh dự án Luật tập trung vào người đã can thiệp y học thành 2 dạng giới nam và nữ

Theo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí, hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới đã được điều chỉnh cơ bản thành Luật Chuyển đổi giới tính.

GS. Nguyễn Anh Trí cho biết, dự thảo Luật cũng đã thu hẹp phạm vi, đối tượng điều chỉnh, chỉ tập trung vào người đã can thiệp y học thành 2 dạng giới nam và nữ.

Vì nếu xét theo khái niệm bản dạng giới thì quá rộng, còn nhiều vấn đề chưa chín, còn tranh cãi, nên khó đạt được sự đồng thuận trong xã hội ở thời điểm này và chưa phù hợp với đặc điểm văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán của Việt Nam, cũng như hệ thống pháp luật hiện hành (trong đó có Điều 37 của Bộ luật Dân sự về chuyển đổi giới tính).

Đề xuất quy định phải thực hiện can thiệp y học để được công nhận đã chuyển đổi giới tính 1
ĐBQH Nguyễn Anh Trí báo cáo tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Chuyển đổi giới tính - Ảnh: VGP

Chính sách 1 (về điều kiện để công dân được chuyển đổi giới tính) được điều chỉnh theo hướng: Giảm số lần được công nhận giới tính mới từ 2 lần xuống 1 lần trong cuộc đời.

Điều này nhằm không làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của Nhà nước; bảo đảm phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành. Bổ sung quy định phải thực hiện can thiệp y học thì mới được công nhận đã chuyển đổi giới tính.

Thay vì công dân có quyền lựa chọn can thiệp y học để chuyển đổi giới tính sau khi đã được công nhận bản dạng giới, thì công dân bắt buộc thực hiện can thiệp y học để chuyển đổi giới tính thì mới được Nhà nước thừa nhận là người chuyển giới.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chuyển đổi giới tính, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên cho biết: Ủy ban Pháp luật và các cơ quan thống nhất với sự cần thiết nghiên cứu, xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính nhằm xác lập cơ chế thực hiện quy định tại Điều 37 của Bộ luật Dân sự năm 2015 là "việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật"; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của một nhóm đối tượng trong xã hội về thực hiện chuyển đổi giới tính để được công nhận và sống với đúng giới của mình.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xây dựng các chính sách trong dự thảo Luật

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh bày tỏ nhất trí, ủng hộ ĐBQH Nguyễn Anh Trí trình đề nghị xây dựng Luật;

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh ĐBQH Nguyễn Anh Trí đã tích cực, trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hồ sơ đã đảm bảo đầy đủ thành phần, tiêu chuẩn trình Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính để thực hiện quy định tại Điều 37 trong Bộ luật Dân sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong dự án luật vẫn còn những nội dung có ý kiến khác nhau, nếu được Quốc hội đồng thuận đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì cần nhiều phân tích, thảo luận để đảm bảo nội dung quy định được hợp lý, khả thi.

Thông qua hình thức biểu quyết bằng phiếu bầu, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thuận trình Quốc hội xem xét, quyết định việc đưa dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.