Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa thừa ủy quyền của Thủ tướng ký báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn liên quan lĩnh vực nội vụ.
Trong đó, cho biết Ban cán sự đảng Chính phủ đã báo cáo Trung ương, Quốc hội về kết quả và lộ trình cải cách tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động trong doanh nghiệp.
Bộ đề xuất lộ trình cải cách tiền lương từ 1/7/2024 với 6 nội dung gồm xây dựng 5 bảng lương mới; chế độ phụ cấp; chế độ tiền thưởng; chế độ nâng bậc lương; nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; quản lý tiền lương và thu nhập.
Theo báo cáo, sau năm 2024 sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng lương để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng I (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp.
Căn cứ kết luận của cấp có thẩm quyền về lộ trình cải cách tiền lương, Ban cán sự đảng Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị xem xét các nội dung của chế độ tiền lương mới. Sau đó, các cơ quan sẽ ban hành quy định cụ thể chế độ tiền lương mới với các nhóm thuộc diện quản lý.
Báo cáo cho biết giáo viên mầm non, tiểu học, được hưởng lương và phụ cấp theo địa bàn hoặc công việc đảm nhiệm; phụ cấp ưu đãi nhà giáo, thâm niên nghề (dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội).
Nhà giáo ở nơi điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng thêm các phụ cấp thu hút, ưu đãi theo nghề (70%), công tác lâu năm vùng đặc biệt khó khăn; trợ cấp, phụ cấp lưu động, phụ cấp dạy tiếng dân tộc thiểu số.
Dù được hưởng nhiều phụ cấp ưu đãi, đặc thù để có tổng thu nhập cao hơn ngành nghề khác nhưng đời sống của giáo viên mầm non, tiểu học còn nhiều khó khăn.
Theo bộ trưởng Bộ Nội vụ, Thủ tướng đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đề xuất xây dựng nghị định của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.