Mục tiêu của đề xuất này là giảm tỷ lệ người hút thuốc và tăng nguồn thu ngân sách.
Tại hội thảo do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào ngày 13/8, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết chi phí y tế liên quan đến thuốc lá đã lên tới 108.000 tỷ đồng năm 2022, tương đương 1,14% GDP. Trong khi đó, tổng thu thuế từ thuốc lá chỉ đạt 17.600 tỷ đồng, chưa bằng 1/5 chi phí y tế.
Việt Nam đã có ba lần điều chỉnh thuế thuốc lá từ năm 2008 đến 2019, nhưng mức tăng còn thấp và khoảng cách giữa các lần tăng khá dài. Mặc dù mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện tại là 75%, tổng thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm 38,8%.
Đây là mức thuế thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực ASEAN, khiến giá thuốc lá tại Việt Nam chỉ bằng một nửa so với Thái Lan và cao hơn Lào, Campuchia.
Theo bà Thủy, giá một bao thuốc lá phổ biến ở Việt Nam hiện chưa đến 1 USD, dễ dàng tiếp cận với người dân, đặc biệt là trẻ em. Điều này làm cho việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá gặp khó khăn.
Bộ Tài chính đề xuất hai phương án điều chỉnh thuế suất: Phương án 1 tăng 2.000 đồng/bao ngay từ năm đầu tiên, đạt mức 10.000 đồng/bao vào năm 2030; Phương án 2 tăng 5.000 đồng/bao từ năm 2026, sau đó tăng thêm 1.000 đồng/bao mỗi năm, đạt mức 10.000 đồng/bao vào năm 2030.
Trong khi đó, Hiệp hội Thuốc lá chỉ đề xuất mức tăng 1.000 đồng/bao vào năm 2025, và 3.000 đồng/bao vào năm 2030.
TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho rằng mức thuế đề xuất của Bộ Tài chính vẫn chưa đủ mạnh. WHO khuyến nghị tăng thuế khởi điểm 5.000 đồng/bao và lên 15.000 đồng/bao vào năm 2030, cộng với mức thuế tỷ lệ 75% giá xuất xưởng hiện tại.
Đề xuất này dự kiến giảm tỷ lệ người hút thuốc khoảng 13%, tương đương 696.000 người vào năm 2030 và tăng thu ngân sách thêm 29.300 tỷ đồng mỗi năm.
Chủ trương này nhằm giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống 36% vào năm 2030, góp phần giảm bớt tác hại sức khỏe và gánh nặng chi phí y tế liên quan đến thuốc lá.