- Cấm xe lưu thông vào đường Nguyễn Huệ trong sáng mai 12/8
- TPHCM nhân rộng việc đổ bê tông thấm nước quanh các gốc cây
- TPHCM hỗ trợ người dân đổi sang xe điện vào năm 2024
- Người dân gọi đường dây nóng 0693.187.111 để sửa sai lệch trên cơ sở dữ liệu, VNeID
- Giá vé metro số 1 dự kiến 12.000 - 18.000 đồng/lượt
- Bình Thuận kiến nghị xử lý tình trạng mất an toàn trên 2 đoạn cao tốc mới
Cấm xe lưu thông vào đường Nguyễn Huệ trong sáng mai 12/8
Từ 6 giờ đến 9 giờ ngày 12/8 (thứ Bảy), đường Nguyễn Huệ (đoạn từ đường Lê Lợi đến đường Tôn Đức Thắng, quận 1) sẽ cấm tất cả các loại xe lưu thông nhằm phục vụ công tác tổ chức chương trình đi bộ vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Đối với các phương tiện giao thông của tổ chức, cá nhân trong khu vực bị ảnh hưởng có nhu cầu lưu thông trong thời gian bị cấm, đề nghị trực tiếp liên hệ Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Thành phố tại số 31 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, số điện thoại (028) 38292060 hoặc 38296238 để được hỗ trợ, tạo điều kiện lưu thông qua khu vực tổ chức sự kiện.
TPHCM nhân rộng việc đổ bê tông thấm nước quanh các gốc cây
Đại diện Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TPHCM cho biết, loại bê tông được trát quanh gốc cây trên đường vào Sân bay Tân Sơn Nhất có tính thấm nước tốt, đang triển khai thí điểm và sắp tới sẽ nhân rộng trên nhiều tuyến đường khác.
Theo Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật, việc sử dụng loại vật liệu này đảm bảo mỹ quan, tăng không gian sử dụng công cộng và đáp ứng tốt việc thấm, thoát nước. Loại vật liệu này không ảnh hưởng đến hô hấp của hệ rễ cũng như quá trình sinh trưởng chung của cây.
Thời gian tới, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật sẽ tiếp tục triển khai, ứng dụng trên nhiều tuyến đường, đặc biệt ở khu vực trung tâm như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi...
TPHCM hỗ trợ người dân đổi sang xe điện vào năm 2024
Chiều 10/8, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, đề án chuyển đổi sang xe điện, phương tiện sử dụng nhiên liệu xanh dự kiến được trình HĐND TPHCM vào tháng 9, triển khai từ đầu năm 2024.
UBND TPHCM đã giao Sở Giao thông Vận tải TPHCM phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM lập đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông. Các cơ quan cũng tham mưu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, ưu đãi và lộ trình hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình, tổ chức chuyển đổi sang phương tiện sử dụng nhiên liệu xanh; hình thành tiêu chí, thủ tục, chính sách thu mua phương tiện cũ, hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Thành phố có thể thí điểm theo từng khu vực, ví dụ như các quận trung tâm hay một số khu vực khác. Ngoài việc nghiên cứu về trạm sạc, hạ tầng, Thành phố cũng xây dựng song song việc thu hồi các phương tiện cũ.
Người dân gọi đường dây nóng 0693 187 111 để sửa sai lệch trên cơ sở dữ liệu, VNeID
Công an TPHCM đề nghị người dân phản ánh đến số điện thoại đường dây nóng: 0693 187 111 để kịp thời điều chỉnh, cập nhật các sai lệch thông tin dân cư.
Đối với các sai lệch thông tin so với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính thì người dân liên hệ ngay với công an địa phương để được hướng dẫn thủ tục, điều chỉnh, bổ sung thông tin.
Trường hợp người dân đã liên hệ công an địa phương nhưng chậm giải quyết hoặc có khó khăn, vướng mắc chưa được tháo gỡ thì người dân phản ánh qua đường dây nóng để xử lý kịp thời.
Giá vé metro số 1 dự kiến 12.000 - 18.000 đồng/lượt
Sở Giao thông Vận tải TPHCM dự kiến giá vé đi lại tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) từ 12.000 - 18.000 đồng/lượt. Ngoài ra, giá vé 1 ngày 40.000 đồng, vé 3 ngày 90.000 đồng, vé tháng 260.000 đồng.
Giá vé dự kiến được áp dụng khi tuyến metro số 1 chính thức hoạt động và đề xuất áp dụng tối thiểu 3 năm đầu và tối đa 5 năm.
Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng đề xuất dùng ngân sách thành phố hỗ trợ 100% giá vé sử dụng metro số 1 đối với đối tượng chính sách theo quy định Chính phủ và trẻ em dưới 6 tuổi. Học sinh, sinh viên cũng sẽ được ngân sách thành phố hỗ trợ giá vé khi đi lại bằng tuyến metro số 1.
Bình Thuận kiến nghị xử lý tình trạng mất an toàn trên 2 đoạn cao tốc mới
UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị các đơn vị quản lý, vận hành hai đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây bố trí thêm lực lượng, tăng cường tuần tra, kiểm soát nhằm hỗ trợ cho địa phương bảo đảm trật tự an toàn, hạn chế tai nạn trên hai đoạn cao tốc qua địa bàn.
Theo tỉnh Bình Thuận, quá trình khai thác đến nay đã ghi nhận liên tiếp 4 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, 2 người tử vong.
Hiện do chưa có hệ thống camera giám sát giao thông trên hai cao tốc này nên việc phát hiện, xử lý những tình huống vi phạm chưa kịp thời, nhất là vi phạm tốc độ, phần đường, làn đường, không giữ khoảng cách an toàn, dừng đỗ không đúng quy định...
Những hành vi vi phạm này là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian qua. Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị các đơn vị phải nhắc nhở nhà thầu thi công các hạng mục trên tuyến phải có biện pháp hợp lý, đầy đủ biển báo hiệu, tránh rơi vãi vật liệu trên đường...