Nhiều công nhân đau bụng nhập viện ở Đồng Nai
Tối 15/5, ông Nguyễn Đức Phước – giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom (Đồng Nai) – xác nhận đang tiếp nhận, điều trị cho hàng loạt công nhân nghi ngộ độc thực phẩm sau bữa cơm tối.
Các công nhân này làm việc tại Công ty TNHH Dechang Việt Nam (Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom).
Sau khi ăn bữa tối gồm mì quảng bánh đa khoảng 15 – 30 phút, họ có triệu chứng đau bụng, nhức đầu, chóng mặt nên được đưa vào bệnh viện cấp cứu.
Theo một số công nhân, có khoảng 500 người cùng ăn bữa tối. Trong đó 100 người có triệu chứng ngộ độc nhập viện cấp cứu nhưng khoảng 40 người đã ổn định và xuất viện.
Bộ Y tế cấp phép vắc-xin sốt xuất huyết, zona thần kinh
Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành cho 40 loại vắc-xin, sinh phẩm, trong đó có vắc-xin Qdenga phòng bệnh sốt xuất huyết, Shingrix phòng bệnh zona thần kinh và Pneumovax 23 phòng 23 tuýp phế cầu thế hệ mới.
Vắc-xin Qdenga có hiệu lực bảo vệ hơn 80%, chống lại cả 4 nhóm huyết thanh virus sốt xuất huyết, dành cho trẻ từ 4 tuổi trở lên.
Vắc-xin Shingrix có hiệu lực trên 97%, dành cho người từ 50 tuổi trở lên hoặc cho người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc zona do có tình trạng suy giảm miễn dịch. Vắc-xin Pneumovax 23 có hiệu lực bảo vệ hơn 90%, dành cho trẻ từ 2 tuổi và người lớn.
Việc sử dụng vắc-xin sẽ giúp giảm số ca mắc và tử vong ở cả người lớn lẫn trẻ em, giảm tình trạng quá tải do nhập viện và chi phí chăm sóc sau điều trị.
TPHCM đẩy nhanh khắc phục những bất cập hạ tầng, tổ chức giao thông
Phó chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường giao Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, UBND TP Thủ Đức và các địa phương khẩn trương rà soát, khắc phục bất cập hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông mà Công an TPHCM thống kê.
Đồng thời phối hợp với Công an TPHCM đẩy nhanh tiến độ xử lý, khắc phục những tồn tại, bất cập (nếu có) đảm bảo tình hình giao thông an toàn, thông suốt.
Công an TPHCM ở cấp huyện ghi nhận hơn 208 kiến nghị liên quan hệ thống biển báo hiệu, bố trí đèn tín hiệu giao thông; 66 kiến nghị liên quan đến vạch kẻ đường, tổ chức phân luồng giao thông, nâng cấp, cải tạo hạ tầng... chưa hợp lý. Phần lớn bất cập này xảy ra tại huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, huyện Bình Chánh...
Bình Phước có thêm hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bình Phước vừa tổ chức Lễ công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Nghề thủ công truyền thống Nghề đan gùi và Nghề dệt thổ cẩm của người S’tiêng. Đây là hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới được công nhận của tỉnh Bình Phước, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh lên con số 7.
Nghề đan gùi và nghề dệt thổ cẩm là hai nghề thủ công truyền thống lâu đời của người S’tiêng ở Bình Phước. Nghề đan gùi sử dụng cây lồ ô để đan, trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ để tạo ra những chiếc gùi bền đẹp, có hoa văn tinh xảo.
Nghề dệt thổ cẩm sử dụng nguyên liệu từ cây rừng, trải qua quá trình se sợi, nhuộm màu và dệt vải để tạo ra những tấm vải thổ cẩm độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của người S’tiêng.
Cháy rừng dưới chân núi Bà Nà
Vào chiều ngày 15/5, một vụ cháy rừng đã xảy ra tại khu vực rừng tự nhiên dưới chân núi Bà Nà, thuộc xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, thiêu rụi khoảng 2.000 mét vuông rừng.
Ngay sau khi nhận được tin báo, UBND xã Hòa Phú đã huy động hơn 200 người gồm các lực lượng tại chỗ như đội chuyên trách quản lý bảo vệ rừng của xã, các tổ phòng cháy chữa cháy rừng của 8 thôn, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa cùng một số đơn vị khác để tham gia chữa cháy.
Đến khoảng 14 giờ 45 cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế. Hiện UBND xã Hòa Phú đang phối hợp với cơ quan công an để điều tra nguyên nhân vụ cháy.
Ngư dân kêu cứu vì cửa biển Cửa Tùng bị bồi lấp, cạn dần
22 chủ tàu cá và cơ sở kinh doanh hậu cần nghề cá tại Quảng Trị và các tỉnh lân cận đã gửi đơn kêu cứu tới các cơ quan chức năng vì cửa biển Cửa Tùng bị bồi lấp, gây khó khăn cho việc ra khơi đánh bắt và cập bờ bán hải sản.
Một ngư dân cho biết mực nước tại cửa biển chỉ còn khoảng 60cm, tàu thuyền ra vào thường xuyên bị mắc cạn, hư hỏng chân vịt và bánh lái.
Luồng lạch bị cạn khiến tàu cá trên 15m phải chờ thủy triều lớn nhất mới cập cảng được, làm tăng chi phí trung chuyển hải sản và gây khó khăn cho việc kiểm tra nhật ký khai thác, giám sát sản lượng, chứng nhận nguồn gốc theo quy định IUU chống khai thác hải sản bất hợp pháp.
Từ đầu năm 2024 đến nay, đã có 12 tàu cá trong và ngoài địa phương bị mắc cạn do luồng lạch bị bồi lấp, trong đó có một tàu cá trị giá 1,6 tỉ đồng bị sóng đánh chìm, vỡ cabin. Huyện Vĩnh Linh đã có văn bản gửi tỉnh Quảng Trị đề nghị phê duyệt phương án khơi thông, nạo vét luồng lạch khẩn cấp tại Cửa Tùng.
121